Ngày 29/12, tuyên án vụ lừa đảo hơn 2.400 tỷ đồng tại Công ty Alibaba
Ngày mai (29/12), Hội đồng xét xử sơ thẩm thuộc Tòa án Nhân dân TP HCM sẽ tuyên án vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba do bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ) và 22 đồng phạm thực hiện, chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại.
TAND TP HCM cho biết, sẽ phát trực tuyến phiên tòa tuyên án vụ án lừa đảo có quy mô lớn nhất được xét xử trong năm này trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án thành phố.
Trong gần một tháng xét xử vụ án, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã luận lội và đề nghị HĐXX tuyên mức án chung thân đối với chủ mưu vụ án là bị cáo Nguyễn Thái Luyện về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, cơ quan giữ quyền công tố đã cáo buộc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Địa ốc Alibaba bằng việc thành lập 22 công ty “ma” dưới danh nghĩa công ty con của công ty Alibaba để thực hiện hành vi thu gom số lượng lớn đất nông nghiệp tại nhiều địa phương, gồm Đồng Nai, Bà rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo người thân hoặc nhân viên thân tín đứng tên pháp nhân các công ty con để đồng loạt phân lô bán nền, tự vẽ ra các dự án hoàn toàn không có thật, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép dự án. Bằng việc ký các hợp đồng mua bán với hàng ngàn người, bị cáo Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 2.400 tỷ đồng của 4.550 bị hại trong vụ án.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Nguyễn Thái thừa nhận trách nhiệm dân sự của vụ án, nhưng cho rằng bản thân không lừa đảo. Bị cáo này dẫn chứng 652 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cơ quan điều tra đang thu giữ của Công ty CP Địa ốc Alibaba để cho rằng, đây là bằng chứng cho thấy công ty Alibaba đã thực hiện tách thửa theo đúng cam kết hợp đồng với khách hàng, căn cứ vào Luật Đất đai và các quy định pháp luật về tách thửa.
Dù vậy, trong quá trình tranh tụng, đại diện VKS đã bác bỏ các bào chữa này, xác định có đầy đủ bằng chứng các dự án mà công ty Alibaba và 22 pháp nhân do công ty này thành lập đều là dự án không có thật, vi phạm quy định về luật đất đai và các quy định pháp luật. Ngoài ra, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truy tố là không oan, đúng người, đúng tội.
Ngoài chủ mưu vụ án, cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai bị cáo Luyện) bị đề nghị 16 - 18 năm tù; Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em trai bị cáo Luyện) cùng bị đề nghị mức án 30 năm tù về tội “Rửa tiền” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo đồng phạm còn lại bị VKS đề nghị từ 12 - 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty CP Địa ốc Alibaba) bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội “Rửa tiền”.
Trong lời nói sau cùng trước khi tuyên án, tất cả các bị cáo đồng phạm đều thừa nhận hành vi phạm tội và chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Luyện. Một số bị cáo đã chủ động khắc phục một phần thiệt hại từ trước khi phiên tòa xét xử diễn ra, nên đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bản thân bị cáo Luyện khi được nói lời sau cùng cũng xin HĐXX giảm nhẹ cho các đồng phạm: “Các nhân viên cũng chỉ vì tin tưởng lời của bị cáo, thực tế các bị cáo này không biết gì hết, không hưởng lợi”. Liên quan đến tội “Rửa tiền”, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ của bị cáo Luyện) đã kêu oan và cho rằng số tiền 13 tỷ đồng bị cáo không lấy từ nguồn tiền bất hợp pháp.
Theo dự kiến xét xử ban đầu, TAND TP HCM dự kiến xử vụ án trong gần một tháng, từ ngày 8/12/2022 đến ngày 6/1/2023. Dù vậy, HĐXX đã làm việc liên tục cả các ngày thứ bảy, chủ nhật nên đã rút ngắn thời gian tuyên án. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng với số lượng bị hại và người tham gia tố tụng lớn nhất từ trước đến nay.