Nhạc sĩ Tuấn Phương: Sống trong âm nhạc
Tôi gặp Tuấn Phương cùng với Trần Mạnh Tuấn trong ban nhạc Du lịch Hà Nội ngày đó. Mạnh Tuấn chơi saxophone, Tuấn Phương chơi guitar bass và hát chính. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất ấn tượng giọng hát của Tuấn Phương, lên được cao mà vẫn ấm áp ngọt ngào…
Từ đam mê hát và sáng tác
Còn nhớ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước mở cửa, đời sống tươi mới đẩy lùi những u ám của thời khó khăn bao cấp được bắt đầu từ những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc.
Nhiều người từ nước ngoài đã lần lượt trở về góp phần, chung tay xây dựng đất nước, trong đó có tôi. Không chỉ chúng tôi, không ít những người làm công tác ngoại giao đến từ nhiều nước trên thế giới có một sân chơi chung rất lành mạnh và phù hợp với lối sống phương Tây, đó là tầng 2 khách sạn Hà Nội (số 1 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cứ cuối tuần là người phương Tây lại hội tụ nghe nhạc, khiêu vũ và thưởng thức ẩm thực. Văn hóa nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ.
Tôi gặp Tuấn Phương ở đó, cùng với Trần Mạnh Tuấn và mấy người nữa trong ban nhạc Du lịch Hà Nội, rất trẻ. Mạnh Tuấn chơi saxophone, Tuấn Phương chơi guitar bass và hát chính. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất ấn tượng giọng hát của Tuấn Phương, lên được cao mà vẫn ấm áp ngọt ngào.
Những bài hát của nước ngoài như: “Papa”, “How can I tell her”, “Because I love you”… khiến những người nước ngoài ngỡ ngàng. Nói và hát tiếng Anh như Tuấn Phương hồi đó là sự hiếm. Nói không ngoa, gương mặt văn hóa của Hà Nội ngày mở cửa đó có sự đóng góp của ban nhạc Du lịch Hà Nội, trong đó có những người như Tuấn Phương, Trần Mạnh Tuấn...
Rồi không ít những lần các bạn tôi những người khá thành công trong lĩnh vực kinh tế từ Đông Âu trở về đã cùng tôi đến nghe Tuấn Phương hát cùng ban nhạc ở CLB Quốc tế, vũ trường Queen Bee. Tuấn Phương lúc đó rất trẻ, đẹp trai, lại tài hoa như thế mà chưa có vợ nên danh sách fan hâm mộ rất dài. Ngoài những buổi đi hát như thế Tuấn Phương vẫn là nhạc công violin của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngày đó, Dàn nhạc chưa kín lịch diễn như sau này. Chúng tôi chơi thân với nhau - nhóm văn thơ nhạc họa: Tôi, NSND Lê Dung, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, ca sĩ Ngọc Tân và Dung tóc vàng ở Hải Phòng.
Ngọc Tân rất trọng Tuấn Phương. Quý mến ở tình bạn, ở tài hoa còn trọng ở sự đam mê nghệ thuật đến cháy bỏng của Tuấn Phương. Trong khi không ít nhạc công ở Dàn nhạc Giao hưởng yên trí với công việc của mình thì Tuấn Phương cùng lúc làm rất nhiều việc: Viola, guitar, hát chính, phối khí còn hé lộ khả năng sáng tác và chỉ huy, dường như mang gen gia đình. Cả nhà Tuấn Phương là nghệ sĩ. Họa sĩ Tào Linh vẽ rất đẹp dù xuất phát là một kỹ sư điện. Tuấn Phương dần dần bỏ chơi đàn trong dàn nhạc mà chuyển sang viết hòa âm phối khí, dàn dựng và làm nhạc phim, được gọi là vua nhạc phim.
Ngọc Tân là người mở show diễn cá nhân đầu tiên của mình mà cũng là của miền Bắc hồi năm 1994. Những bản phối khí cho các đêm nhạc của Ngọc Tân đều do Tuấn Phương đảm nhiệm. Ngọc Tân rất kỹ tính và thẩm mỹ âm nhạc cũng rất cao, ông không chọn ai mà chọn Tuấn Phương.
Những đêm diễn của Ngọc Tân, Tuấn Phương không chỉ giữ vai trò viết hòa âm mà còn chỉ huy ban nhạc. Ngày ấy, người hát có ban nhạc gồm nhóm đàn giây và nhóm điện tử rất gây “ép phê” cho khán giả. Hơn 150 đêm diễn của Ngọc Tân suốt mấy năm liền đều có mặt Tuấn Phương. Có lần, để đổi mới chương trình Ngọc Tân đề nghị có tiết mục hát tam ca: Ngọc Tân, Bằng Kiều, Tuấn Phương. 3 giọng ca hòa vào nhau, quấn quýt, leo đuổi… đưa tác phẩm âm nhạc đến những cung bậc vô cùng thú vị.
Rồi những năm thịnh hành các ban nhạc. Tuấn Phương tham gia ban nhạc Phương Đông (có Quốc Trung, Trần Mạnh Tuấn…). Sau những hoạt động của ban nhạc mỗi người theo đuổi một sở thích, Tuấn Phương về làm biên tập viên âm nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam. Ở đây, anh là người có công giới thiệu được nhiều tác phẩm mới của nhiều nhạc sĩ tới với công chúng truyền hình. Nhưng có lẽ sáng tác là điều Tuấn Phương thấy thú vị nhất. Đồng thời với việc làm chương trình âm nhạc truyền hình, Tuấn Phương viết nhạc phim và viết ca khúc theo đơn đặt hàng.
Đến “vua” nhạc phim
Giống như tác phẩm của các bậc đàn anh Phó Đức Phương, Nguyễn Cường…, gần như 100% là viết theo đơn đặt hàng nhưng tồn tại độc lập như một tác phẩm đi cùng năm tháng, được khán giả yêu thích, bài hát của Tuấn Phương cũng vậy. Nhiều người viết theo đơn đặt hàng sau khi “trả bài”, tác phẩm chỉ còn là chứng từ để thanh toán một dự án. Nhưng Tuấn Phương là người thông minh, nắm bắt nhanh yêu cầu của đối tác cộng với lối sống giàu cảm xúc, có trải nghiệm và rất tài hoa nên tác phẩm của Tuấn Phương vừa tròn trách nhiệm với nhu cầu đặt hàng, vừa để tác phẩm “sống ở đời”.
Tuấn Phương lập gia đình cách đây 30 năm với Lan, một cô gái học ở Nga về, chấm dứt nghi ngờ của tôi về dãy danh sách các “chân dài”. Lan làm ở NXB Giáo dục, xinh đẹp và giỏi giang trong việc chăm chồng nuôi con. Sống trong âm nhạc, trong hạnh phúc gia đình, 2 con trai học rất giỏi giờ đã lớn, Tuấn Phương lại gặp ca sĩ Ngọc Châm, người từ lâu đã muốn giới thiệu những tác phẩm của Tuấn Phương, nên tối 10/12 Tuấn Phương đã tổ chức đêm nhạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Gần 20 ca khúc được lựa chọn để vẽ nên bức tranh “Lời ru tôi”. Chương trình gồm 5 phần: Tình đất; Tình yêu và khát vọng; Quê ơi; Phận người; Tự sự. Đa dạng đề tài, chất liệu, từ dân gian, dân gian đương đại đến pop. Nhưng chủ đạo là chất trữ tình.
Âm nhạc của Tuấn Phương nhiều suy tư, ngọt ngào, sâu lắng. “Trở về” qua phần thể hiện của Lê Anh Dũng - Huyền Trang thật tuyệt vời. Truyền cảm, da diết với “Con sông tuổi thơ tôi” giọng Anh Thơ, lại đắm say với “Ký ức dòng Lam” qua tiếng hát Phạm Phương Thảo. Nguyễn Ngọc Anh với “Biển chiều”, “Chỉ có mình em thôi”. Và Tùng Dương được chọn với 3 ca khúc đa sắc. Với sự đặc biệt của mình, giọng hát Tùng Dương đã nâng cánh cho “Thức dậy đi em”, “Xúc cảm non thiêng”, và “Một nửa” – ca khúc lần đầu tiên được trình làng.
Trong liveshow “Lời ru tôi”, nhạc sĩ Tuấn Phương cũng tự trình diễn “Em mãi là” - tác phẩm nhạc ngoại lời Việt do anh viết lời. Khán giả bất ngờ khi Tuấn Phương hát song ngữ rất hay. Tuấn Phương cũng ngẫu hứng với những người anh em thân thiết: NSND Quang Vinh, Tấn Minh, Tô Minh Đức. Bốn giọng ca thuộc những thế hệ, màu sắc khác nhau nhưng đem lại một tổng thể ăn ý, hấp dẫn qua “Thì thầm” - một sáng tác giàu mỹ cảm, xúc cảm về Hà Nội đã từng được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện thành công...
Chương trình không chỉ là những ca sĩ được công chúng yêu nhạc mến mộ đến tham gia còn có sự góp mặt của các nhạc sĩ nổi tiếng là bạn bè của Tuấn Phương như: Đỗ Bảo, Lưu Hà An, 2 người vừa chơi keyboard trong đêm diễn vừa là người phối khí. Lưu Hà An là giám đốc âm nhạc. Bên cạnh đó là các nhạc sĩ Xuân Phương, Sơn Thạch, Thanh Bình cũng tham gia phối khí. Hoàng Anh (sáo). Ca sĩ kiêm solo đàn bầu Huyền Trang (giải nhất Sao Mai 2013) hát đơn và hát đôi với Lê Anh Dũng.
Nhà hát hơn 1.000 chỗ ngồi đã kín chỗ. Cả 5 phần của chương trình đều thu hút được khán giả. Rất nhiều câu chuyện sau tác phẩm được chia sẻ. Thoát ra khỏi khuôn khổ một đêm nhạc là sự ấm áp, những lời tri ân của các ca sĩ với nhạc sĩ Tuấn Phương. Hầu hết các ca sĩ biểu diễn đêm nhạc đã từng được nhạc sĩ Tuấn Phương dìu dắt, dựng bài trong phòng thu, luyện giọng để hoàn thiện tác phẩm…
Thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng và đạo diễn Phạm Hoàng Giang đã thể hiện lên chân dung một Tuấn Phương giản dị, sang trọng, tài hoa, giàu cảm xúc... Một chương trình thành công hơn cả mong đợi cho người yêu nhạc thấy rõ hơn về gương mặt một nhạc sĩ đa tài -" vua" nhạc phim Tuấn Phương.