Du lịch Việt tăng tốc

HOÀNG ANH 02/01/2023 09:18

Sau một năm “bùng nổ” du lịch nội địa, mới đây, Tổng cục Du lịch dự kiến đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 8 triệu khách quốc tế và 102 triệu khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Để đạt được điều đó, ngành du lịch cần cải thiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách, phát triển du lịch thông minh dựa trên công nghệ 4.0, phát triển du lịch nông thôn...

Khách du lịch đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Phải cung cấp dịch vụ khách du lịch cần

Theo bản báo cáo mới công bố của Tổng cục Du lịch, năm 2022 lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Tuy vậy, mục tiêu đặt ra là đạt 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, nhưng con số đạt được thực tế là 101,3 triệu lượt gấp 1,5 lần mục tiêu ban đầu. Kết quả này cũng vượt xa con số đạt được của năm 2019 (đạt 85 triệu lượt khách nội địa) khi đại dịch chưa xảy ra. Bên cạnh đó, tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 495.000 tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 500.000 tỷ đồng.

Có thể nói, đó là một thành tích vượt trội của du lịch nội địa, sau hơn 2 năm người dân bị kiềm tỏa bởi đại dịch Covid-19. Có được những con số đó, là nỗ lực của nhiều bộ, ngành, trong đó sự chỉ đạo của Chính phủ là rất quan trọng.

Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày 21/12, nhiều đại biểu cũng đánh giá những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Hơn 2 năm qua, du lịch Việt Nam là một ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch lại chưa có đột phá do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thủ tướng nhấn mạnh định hướng "cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có".

Để ngành du lịch phát triển có tính đột phá hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, cần xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.

Thủ tướng cho rằng, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông chính sách về phát triển du lịch, các bộ, ngành, cơ quan chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin.

"Tất cả cùng phải cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Dù xác định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng, ngành du lịch Việt Nam vẫn phấn đấu đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Con số đó liệu có khả thi?

Nhận định từ các chuyên gia du lịch đều có chung sự lạc quan, và cho rằng, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách của du lịch Việt Nam không quá thách thức. Nếu nhìn sang các nước thì cũng khá phù hợp xu hướng chung là tăng gấp đôi con số thực hiện năm 2022. Chẳng hạn, Thái Lan cũng đặt mục tiêu đón 20 triệu khách trong năm 2023 sau khi đón vị khách thứ 10 triệu trong tháng 12. Nhưng để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam phải sớm tháo gỡ những nút thắt về chính sách visa, quảng bá điểm đến, các rào cản kỹ thuật như mua bảo hiểm Covid-19... đang vướng hiện nay.

Từ góc độ của một đơn vị tổ chức du lịch, theo ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Oxalis Adventure, đơn vị tổ chức tour Sơn Đoòng, khi nói đến mục tiêu khách quốc tế, cần phân loại thị trường. Nếu Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc (cả Đài Loan), Nhật Bản và Hàn Quốc, mở cửa hoàn toàn, Việt Nam có thể đón khoảng 12 triệu khách quốc tế năm 2023. Riêng nhóm khách này có thể đạt 8 triệu, số còn lại thuộc châu Âu, Mỹ và Australia. Ngược lại, nếu Trung Quốc vẫn chưa mở cửa, con số tổng 8 triệu khách là xa vời.

Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Châu Á cho hay, hai nhóm khách này đi du lịch khác nhau. Nhóm Đông Bắc Á thường đi các điểm thông dụng còn khách Âu - Mỹ sẽ đi để tìm kiếm những thứ ở nước họ không có như làng mạc, núi rừng, thôn quê, lịch sử và sẵn sàng chi tiền cho những thứ xứng đáng.

"Việc gộp chung hai nhóm này thành 8 triệu khách chỉ giải quyết vấn đề thành tích. Ngành du lịch đang chủ yếu sống nhờ nhóm khách Âu - Mỹ vì khách Đông Bắc Á sẽ đi theo chuỗi riêng. Cụ thể khách Trung Quốc ở khách sạn người Trung Quốc làm chủ, ăn nhà hàng, mua sắm của người Trung Quốc. Họ cũng thanh toán bằng app riêng. Chi tiêu chủ yếu chỉ là tiền vé tham quan. Năm 2019 nhóm khách Âu - Mỹ đạt 6 triệu lượt nên nếu đặt mục tiêu thì năm 2023 Việt Nam nên phấn đấu đón được 4 triệu khách nhóm Âu - Mỹ", ông Á nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng thừa nhận, du lịch Việt Nam có thể vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm mới. Hoạt động du lịch thế giới năm sau tiếp tục hồi phục, nhưng chưa thể trở về như trước dịch. Du lịch nội địa vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Trong khi đó, các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam (như Trung Quốc, Nga) chưa mở hoàn toàn. Bên cạnh đó, chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế so với các quốc gia trong khu vực.

Để đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt...

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cho hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào quý I/2023; hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Trong công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế như: Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Anh; tổ chức truyền thông du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát triển ngành du lịch những năm mới đây theo tinh thần tạo đột phá, phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.

Phát triển du lịch luôn gắn với kinh tế, văn hóa, thể thao, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

HOÀNG ANH