Sắp khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Ngày 28/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Thông tin với báo chí tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, sau hơn 10 tháng triển khai, đến nay toàn bộ 12 dự án thành phần đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật và thời hạn theo Nghị quyết của Chính phủ.
Theo đó, Bộ GTVT phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức lễ Khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 ngày 31/12/2022 và Khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào sáng 1/1/2023 tại 9 tỉnh là Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.
Theo ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, việc tổ chức Lễ Khởi công toàn bộ 12 Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng; thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc; trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc. Hiện nay đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.417km, như vậy trong giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600km.
Được biết, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP, trong đó giao nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án, cụ thể: Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; Cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương thực hiện trước các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật nhằm sớm triển khai thi công...
Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, các địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.