Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời
Cách đây tròn 100 năm có một nhạc sĩ đã chào đời, vì sinh ra đúng năm nhuận nên ông được đặt tên Đỗ Nhuận. Với năng khiếu bẩm sinh và tính ham học hỏi, Đỗ Nhuận đến với âm nhạc hết sức tự nhiên, và rồi gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc.
Một nhạc sĩ đa tài
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 tại làng Vạc (nay là thôn Hoạch Trạch) xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuổi trẻ của ông gắn bó với TP Hải Phòng. Say mê âm nhạc từ nhỏ, tự tìm tòi và tự học các nhạc cụ dân tộc, đến năm 18 tuổi, những tác phẩm đầu tay của Đỗ Nhuận thấm đượm tinh thần yêu nước và đã được phổ biến rộng rãi. Ngoài đam mê sáng tác, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn rất năng động trong nhiều lĩnh vực khác.
Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ: “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người nhiều tài, giỏi ca hát và viết văn. Nhạc sĩ còn biết chơi nhiều nhạc cụ, biết diễn kịch, diễn chèo và cả tấu hài. Lại khéo tay - biết vẽ và làm đàn. Những cây mandoline, violon, tiêu, nhị, bầu được ông chế tạo bí mật trong tù bằng những vật liệu thô sơ đến khó tin (vỏ bầu, ống bơ, dây điện, cành cây, sợi tóc…). Không những vậy ông còn là người có tài tổ chức khi lập ban nhạc và dàn dựng tiết mục từ thời hoạt động bí mật, trong nhà tù và ở chiến khu (Đoàn Sao vàng của ông chính là tiền thân của Đoàn Văn công Quân đội Nhân dân)”. Chưa hết, còn phải kể đến khả năng sư phạm của ông. Trong nhà tù đế quốc ông cũng dạy nhạc, lên chiến khu lại hướng dẫn sáng tác cho nhiều nhạc sĩ trẻ. Không ít người được ông tuyển vào đoàn thiếu sinh quân sau trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp và nổi tiếng như Doãn Nho, Trần Quý... Trong lĩnh vực lý luận phê bình, ông để lại những bài báo và chuyên luận mang tính định hướng phát triển cho nền âm nhạc Việt Nam, khơi dậy nhiều vấn đề cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Cũng theo bà Minh Châu, hơn 1/4 thế kỷ làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam - vị Tổng thư ký đầu tiên và lâu năm nhất (1957-1983), Đỗ Nhuận rất quan tâm đến phong trào sáng tác. Đặc biệt, ở khóa II dài nhất, 20 năm, được gọi là “nhiệm kỳ máu và hoa”, là lúc phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, đúng nghĩa “âm nhạc đồng hành cùng dân tộc”, hào hùng và bi tráng với các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở miền Bắc, “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở miền Nam, chương trình “Khắp nơi ca hát” trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam… “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận chú trọng việc nâng cao trình độ nghe của công chúng trong nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, bởi ông tin rằng quần chúng càng biết thưởng thức thì phong trào âm nhạc càng mạnh. Đây là giai đoạn để lại nhiều “bài ca đi cùng năm tháng” - bà Minh Châu cho biết.
Người “mở đường” cho opera Việt Nam
Không chỉ cống hiến cho âm nhạc cách mạng, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn là người có đóng góp rất lớn cho opera. Ông được xem là người mở đường cho một thể loại âm nhạc chuyên nghiệp, đòi hỏi trình độ cao của các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn và công chúng thưởng thức tại Việt Nam trong dấu mốc vở opera “Cô Sao” được biểu diễn vào ngày 2/9/1965 tại Hà Nội. Ngoài ra còn phải kể đến những tác phẩm opera kinh điển khác của ông như : Người tạc tượng, Nguyễn Trãi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), opera của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là sự kết hợp tinh tế giữa thủ pháp sáng tác opera châu Âu với sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tính dân tộc trong các opera của Đỗ Nhuận được thể hiện qua việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc ở từng vở. Trong “Cô Sao” ông sử dụng nhuần nhuyễn chất âm nhạc dân gian của dân ca Thái, dân ca Mông; trong “Người tạc tượng” thấm đậm dân ca vùng Tây Nguyên; ca trù, chèo trong “Nguyễn Trãi”.
“Sự kết hợp thủ pháp sáng tác opera châu Âu với sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc là đóng góp lớn của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đối với nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam” - PGS.TS Tố Mai bày tỏ.
Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ là tác giả của những ca khúc bất hủ, những tác phẩm nhạc kịch, khí nhạc bề thế, mà còn là người tìm đường cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Không phải nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng những suy nghĩ, ý tưởng của ông có ý nghĩa lý luận nền tảng rất lớn.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã qua đời hơn 30 năm. Nhưng tên tuổi, sự nghiệp sáng tác của ông vẫn sống mãi cùng năm tháng. Ông xứng đáng được nhận những danh hiệu cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, tên ông được đặt cho một đường phố ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Nhưng vinh quang hơn cả là, tên tuổi của ông sống mãi trong trái tim của nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc.