Sách giáo khoa mới: Trước tiên kiến thức phải chuẩn
Theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2023-2024, học sinh lớp 4 trên cả nước sẽ học sách giáo khoa (SGK) mới. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh học sinh vẫn băn khoăn về chất lượng SGK bởi hiện một số sách lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đang sử dụng vẫn có “sạn”.
Băn khoăn khi vấp “sạn”
Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận nhất đó là chất lượng của các bộ SGK mới. Dù đã được thẩm định, sửa chữa qua nhiều vòng, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt song trong quá trình học tập, sử dụng, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và chuyên gia vẫn chỉ ra những điểm còn chưa hợp lý, gây không ít khó khăn và băn khoăn trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh.
Đơn cử, trong quá trình dạy học, một số giáo viên chỉ ra trong bộ sách SGK Lịch sử và Địa lý của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, kiến thức lớp 6 và lớp 7 lại hoàn toàn trái ngược nhau.
Cụ thể, bài 8 (Ấn Độ cổ đại) SGK Lịch sử và Địa lý 6 có nội dung: “Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở; chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp, là nơi sinh sống tương đối thuận lợi, dân cư đông đúc”.
Nhưng ở bài 5 (Ấn Độ từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XIX) SGK Lịch sử và Địa lý 7 lại cung cấp kiến thức cao nguyên Đê-can lại ở vùng Tây Nam. Cụ thể trong sách ghi: “Ấn Độ là một bán đảo lớn ở Nam Á. Phía Bắc bị ngăn cách với bên ngoài bởi dãy Hy-ma-lay-a hùng vĩ, ba mặt còn lại giáp biển khiến Ấn Độ được ví như “một tiểu lục địa”. Địa hình chủ yếu là đồng bằng Ấn - Hằng ở miền Bắc, cao nguyên Đê-can rộng lớn ở miền Tây Nam...”.
Tuy khác lớp nhưng cùng một nhóm tác giả viết SGK của cùng một bộ sách mà đã có những nội dung khác nhau như vậy thì khi dạy học, thầy cô và học trò đều rất khó để biết đâu là đúng, sai. Đó là chưa kể, nếu là các bộ SGK do các nhóm khác nhau viết, năm nay học bộ này, năm sau học bộ khác chắc chắn sẽ có sự không đồng nhất sẽ càng làm khó thầy cô.
SGK là tài liệu dạy học quan trọng để giáo viên căn cứ vào đó dạy, học sinh căn cứ vào đó để học. Dù có mở rộng và tham khảo các bộ sách khác nhau nhưng đã được gọi là SGK tức là kiến thức phải chuẩn, nếu phải vừa dạy vừa đối chiếu với kiến thức của các bộ SGK, thậm chí trước khi dạy phải kiểm tra lại kiến thức là đúng hay sai thì sẽ làm khó thầy cô.
Cần thẩm định kỹ
Không phải mỗi bộ SGK khi được đưa vào giảng dạy đã hoàn hảo, đúng tuyệt đối ngay. Thậm chí, có những bộ SGK khi giảng dạy hàng chục năm vẫn phát hiện ra những điều còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, khi đã phát hiện và nhà xuất bản đính chính lỗi sai trong sách cần đồng bộ. Một giáo viên dạy THCS phản ánh khi dạy học, sách của cô và học sinh không giống nhau vì ở cuốn phát hành sau có đính chính, cuốn của cô thì không.
“Đề nghị các nhà xuất bản khi chỉnh sửa lỗi nên công khai với xã hội để giáo viên và học sinh được biết và điều chỉnh” - giáo viên này đề nghị.
Còn nhớ ngay trong năm học 2021-2022, có những lỗi sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến việc nhà xuất bản phải thu hồi 148.000 cuốn, như cuốn Khoa học Tự nhiên lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Điều này cho thấy, cần có sự thẩm định kỹ càng hơn nữa và tăng cường việc đóng góp ý kiến phản biện của xã hội đối với văn bản mẫu của SGK trước khi SGK chính thức được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, đưa vào trong nhà trường giảng dạy.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục tăng cường quá trình dạy thử nghiệm để phát hiện sai sót cũng như sự phù hợp của kiến thức đối với học sinh, giáo viên. Rất nhiều những bất cập sẽ được phát hiện trong quá trình dạy thực nghiệm. Đồng thời, cần bổ sung đội ngũ biên soạn SGK có năng lực để có được những bộ sách chất lượng, đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.