Trường nghề được tự chủ dạy văn hóa
Thông tư 15 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được ban hành đã gỡ được nút thắt về giảng dạy văn hóa trong trường nghề. Cụ thể, các trường nghề đã được trao quyền nhưng vẫn còn một số vướng mắc trong triển khai.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường cao đẳng (CĐ) nghề Yên Bái cho biết, tại trường có 2 hệ trung cấp và liên thông lên CĐ. Theo đó, những em đủ điều kiện sẽ có cơ hội liên thông lên CĐ. Khi học song bằng, nhà trường phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa cho học sinh. Thuận lợi là tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt việc này. Ngay từ phân luồng sau THCS đã hướng 40% học sinh các trường phổ thông tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Chúng tôi được tỉnh giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo là cứ có học sinh là phải có giáo viên dạy.
Trong thực tế triển khai có những khó khăn riêng. Thông tư mới ra quy định chương trình dành cho khối giáo dục thường xuyên mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khá nặng. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất theo chuẩn mới hiện nay cần kinh phí lớn, nhà trường khó đáp ứng. Các trường nghề hiện nay muốn dạy văn hóa trong nhà trường cũng không dễ đáp ứng, vì đòi hỏi không chỉ giáo viên mà cơ sở vật chất đầy đủ, đòi hỏi cả phòng thí nghiệm theo chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
“Vừa qua phía trung tâm giáo dục thường xuyên đưa ra danh sách các trang thiết bị và hỏi nhà trường có đáp ứng được không, tôi thấy rất khó khăn. Thứ 2, về khối lượng giảng dạy kiến thức văn hóa trong trường nghề thực tế chưa có phần mở, mới dạy 4 môn để nếu liên thông lên CĐ thì được. Song nếu muốn dự thi tốt nghiệp THPT để được cấp bằng THPT thì vẫn chưa có quy định cụ thể về mặt kiến thức thiếu bao nhiêu, phải học bổ sung bao nhiêu, ai sẽ dạy bổ sung? Chính vì vậy, trong tư vấn tuyển sinh của năm 2023, nhà trường cũng tư vấn rõ cho phụ huynh về các hệ đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Trong đó, những em học song bằng cần lượng sức mình có theo được đến cùng hay không, tránh tình trạng đang học bỏ dở giữa chừng” - ông Tuấn cho hay.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Phú Thọ cho biết, nhà trường hiện đang đào tạo 13 nghề thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, kinh tế, công nghệ chế biến chè.
Năm học này, nhà trường tuyển sinh đạt gần 100% chỉ tiêu (870 học sinh). Trong đó, có những học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và theo học chương trình giáo dục thường xuyên để khi tốt nghiệp 3 năm là các em có cả bằng trung cấp nghề và bằng văn hóa THPT. Tuy nhiên, khó khăn là khi dạy văn hóa tại trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề tại nhà trường khiến học sinh vất vả hơn, dẫn đến nguy cơ một số học sinh muốn bỏ học.
“Trước đây chúng tôi dạy văn hóa ngay tại trường, rất thuận lợi cho học sinh và giáo viên. Từ năm học này, lớp 12 phải về trung tâm giáo dục thường xuyên dạy, giáo viên cũng phải theo về dạy, mang theo bàn ghế, trang thiết bị nên rất vất vả” - bà Lan cho biết.
Như vậy, vẫn đội ngũ giáo viên đó nhưng phải giao về các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn để dạy học trong khi ở một số nơi, theo phản ánh của các trường nghề là chất lượng dạy, quản lý của các trung tâm này không tốt bằng khi họ tự chủ, thậm chí có nơi nặng hình thức. Đây là bất cập trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ khả năng dạy chương trình văn hóa 7 môn nhưng vẫn phải giao cho các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trước mắt, các trường mong muốn sớm có thêm hướng dẫn cho các học sinh 9+ hoàn thành chương trình khối lượng kiến thức THPT, tức chương trình 4 môn muốn học thêm một số nội dung để được thi tốt nghiệp THPT và học tiếp đại học, từ đó mở rộng cánh cửa học tập suốt đời hơn là chỉ dừng lại ở CĐ.