Bạc Liêu: Nông dân trăn trở về ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm
Nhiều vấn đề thiết thực về phát triển ngành nông nghiệp, trăn trở vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đầu ra sản phẩm được nhiều nông dân, hợp tác xã đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân.
Sáng ngày 29/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì Hội nghị "Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, hợp tác xã năm 2022" với chủ đề "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh". Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và hơn 100 đại biểu nông dân tham dự.
Tại hội nghị, các nhóm vấn đề được nông dân, hợp tác xã quan tâm như: nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cả thị trường; Cần hỗ trợ vốn, tín dụng để đầu tư sản xuất; Tập trung, hỗ trợ liên kết 4 nhà, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm; Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện để nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; Tổ chức, định hướng cho nông dân tiếp nhận thông tin thị trường...
Đáng chú ý nhiều nông dân, hợp tác xã trăn trở về vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản từ khi những mô hình nuôi tôm có ứng dụng công nghệ cao được thực hiện. Do một số hộ nuôi tự phát xây dựng mô hình nuôi không đáp ứng được các biện pháp bảo vệ môi trường như không xây dựng hầm biogas, hồ xử lý nước mà thường xuyên bơm xả thải trực tiếp ra các tuyến kênh từ đó đã làm cho một nguồn nước tại các tuyến kênh bị ô nhiễm. Nếu không có các biện pháp để ngăn chặn và xử lý kịp thời thì trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước nói chung và nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Đáng lo là mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh được rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã áp dụng thực hiện. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh mang tính tự phát và đa phần các hộ nuôi không có ý thức trong việc xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước. Do dó, kiến nghị với UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất tác động đến các cấp, ngành có liên quan nên quy hoạch, định hướng vùng nuôi để không ảnh hưởng đến những hộ nuôi truyền thống và có chế tài xử lý những hộ dân tự phát trong việc nuôi tôm siêu thâm canh, để giúp cho những hộ nuôi tôm truyền thống an tâm.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân nuôi tôm ở những địa bàn giáp ranh, lân cận với nhiều công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản bày tỏ lo lắng, trong quá trình sản xuất các công ty, xí nghiệp này thải các chất thải bẩn chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước, tác động không nhỏ đến nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh có giải pháp xử lý đối với những công ty, xí nghiệp chưa chấp hành tốt luật bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân phản ánh nạn “cò lúa” hiện nay đang hoạt động nhiều ở khu vực nông thôn nhưng không đảm bảo việc mua bán đúng quy định, thậm chí có lúc còn bỏ lúa của nông dân không thu mua. Các doanh nghiệp thường không thể nua trực tiếp của nông dân mà phải thông qua thương lái (cò lúa), nông dân không quyết định được giá bán mà thường do thương lái qui định, tình trạng nông dân bị ép giá diễn ra phổ biến. Kiến nghị các cơ quan chức năng nhất là ở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ cho người nông dân nhiều hơn nữa, phải tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; hỗ trợ người dân tìm kiếm vị trường và hướng tới xuất khẩu, đảm bảo chất lượng cho nông sản. Đặc biệt tiêu thụ sản phẩm làm ra của nông dân tránh tình trạng “được mùa, mất giá”…
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đánh giá cao tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã. Đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể và nâng cao đời sống nông dân. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các lãnh đạo đại diện các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thành phố, lắng nghe, chia sẻ, trực tiếp trao đổi thẳng thắn, giải đáp đầy đủ những vấn đề nông dân, Hợp tác xã quan tâm. Tiếp tục chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã, để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Trong thời gian tới, các Sở, Ban, ngành, các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của nông dân, Hợp tác xã, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, đối thoại, để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình; được định hướng, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thêm động lực, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Phạm Văn Thiều cho biết: Tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích. Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng nhanh khoa học - công nghệ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc theo mã QR, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP… Đồng thời quan tâm để nông dân tham gia vào các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản...