Ứng phó với dịch bệnh và 'sứ mệnh 100 ngày'

Hà Anh 30/12/2022 07:26

Giới chuyên gia cho rằng, sau 3 năm kể từ khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát, công tác chuẩn bị để ngăn chặn đại dịch có thể xảy ra đã được đẩy mạnh, song như vậy là chưa đủ để tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ.

Thế giới cần rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ để ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Ảnh: AP.

Đầu tư cho tương lai

Đầu tháng 12, 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhất trí mở ra các cuộc đàm phán vào tháng 2/2023 về dự thảo hiệp ước đại dịch nhằm ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa trong tương lai.

Hiệp ước mới này là ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của ông. Mục tiêu nhằm ngăn chặn tác động nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu trong tương lai giống như đại dịch Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh của các nước trên thế giới. Trong số các đề xuất cho hiệp ước mới có đề xuất chia sẻ dữ liệu và giải trình bộ gene các virus đang xuất hiện, quy định về phân bổ vaccine công bằng.

Tuần trước, Quỹ đại dịch - do Ngân hàng Thế giới (WB) chủ trì và được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) công bố vào tháng 11 - thông báo, đang chuẩn bị cho vòng tài trợ đầu tiên với tổng số tiền cam kết là 1,6 tỷ USD tính đến nay.

Trong khi đó, Liên minh Đổi mới sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) cũng đã theo đuổi một kế hoạch đối phó kéo dài 5 năm với nguồn vốn 3,5 tỷ USD, trong đó có “Sứ mệnh 100 ngày”. Theo đó, CEPI đặt mục tiêu phát triển một loại vaccine mới chống lại “căn bệnh X” trong vòng 100 ngày kể từ khi WHO xác định đó là một mối đe dọa đại dịch.

Giám đốc điều hành CEPI, ông Richard Hatchett cho hay, quỹ này vẫn còn thiếu khoảng 800 triệu USD so với mục tiêu tài trợ, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu không vì mải tập trung vào những cuộc khủng hoảng trước mắt mà lơ là việc chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.

Kế hoạch trên cũng bao gồm việc kết nối các viện nghiên cứu khác nhau cùng tập trung chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo như BARDA của Mỹ, HERA của Liên minh châu Âu (EU), SCARDA của Nhật Bản…

Giám đốc điều hành CEPI Richard Hatchett cho rằng, việc hợp tác sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn bị năng lực ứng phó chung cho đại dịch tiếp theo, đặc biệt trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Một trong số các biện pháp đó là phát triển thuốc chữa trị cho "căn bệnh X".

Tổ chức phi lợi nhuận FIND - liên minh toàn cầu về chẩn đoán - đã hợp tác với WHO để cung cấp các biện pháp xét nghiệm Covid-19 cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành FIND William Rodriguez, vì CEPI đã không đạt được mục tiêu bổ sung quỹ vào đầu năm nay nên toàn bộ công cụ chẩn đoán của “Sứ mệnh 100 ngày” hiện không được tài trợ. “Theo góc độ tài nguyên, chúng ta vẫn chưa làm đủ để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo” – ông Rodriguez nói.

Xác định những mầm bệnh tiềm ẩn

WHO đang khẩn trương thu thập dữ liệu để cập nhật danh sách các mầm bệnh có nguy cơ cao nhất dẫn đến đại dịch. Trong đó, virus corona và virus cúm vẫn là những loại virus tiềm ẩn rủi ro bùng phát nhất, ngoài ra còn có virus Ebola và Zika. Bà Jennifer Nuzzo - Giám đốc sáng lập Trung tâm Đại dịch tại Đại học Brown (Mỹ) - giải thích, mỗi loại virus kể trên chỉ cần phát triển thêm một vài đột biến là có thể lây lan vượt quá giới hạn hiện tại. Một số mối đe dọa tiềm ẩn khác bao gồm virus marburg cùng các họ arenavirus và paramyxovirus cũng tiềm ẩm nguy cơ gây lây nhiễm bệnh mới chưa được biết đến từ động vật sang người.

Nói đến việc triển khai các loại vaccine trong tương lai, bà Nuzzo chia sẻ: “Điều khiến tôi lo lắng không phải là vấn đề khoa học mà là quá trình sản xuất”.

Bà Mohga Kamal-Yanni - làm việc tại tổ chức phi chính phủ Liên minh Vaccine của Nhân dân - cho rằng, bất kỳ hiệp ước đại dịch nào cũng cần cam kết tự động từ bỏ các quy tắc về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thiết yếu để chống lại mối đe dọa y tế. Nên quy định bắt buộc việc chia sẻ công nghệ và bí quyết cần thiết cho các nước đang phát triển để tự sản xuất các công nghệ y tế.

WHO hiện đã có các quy định mang tính ràng buộc gọi là Các quy định y tế quốc tế, trong đó đề ra trách nhiệm của các nước thành viên khi một dịch bệnh có thể lây lan sang các nước khác; khuyến nghị WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, cũng như các biện pháp về thương mại và đi lại. Các quy định này đã được thông qua sau khi thế giới trải qua đại dịch SARS vào năm 2002-2003. Tuy nhiên, WHO cho rằng, các quy định này vẫn chưa đủ để ứng phó với đại dịch quy mô toàn cầu. Do vậy, một hiệp ước mới ứng phó với các đại dịch trên quy mô toàn cầu trong tương lai là rất cần thiết.

Hà Anh