Không thể coi thường nguy cơ từ thuốc giảm đau, hạ sốt
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, cơ sở y tế này đã tiếp nhận khá nhiều những trường hợp bệnh nhi nhập viện do ngộ độc paracetamol.
Đơn cử trường hợp bệnh nhi T.V.D. (2 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) suy gan, tình trạng rất nguy kịch sau khi ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol. Người nhà cho biết trước khi nhập viện trẻ sốt cao từng cơn, ho khò khè nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày, uống trong 4 ngày. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc Paracetamol. Đây là trường hợp rất nặng, có tiên lượng tử vong cao.
TS. BS Lê Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, ngộ độc paracetamol không phải là hiếm gặp, Trung tâm đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp nặng, thậm chí đã có trẻ tử vong. Đây là loại thuốc phổ biến, không cần kê đơn, chính vì thế phụ huynh thường tự ý mua về cho con sử dụng khi hạ sốt, đó là lý do khiến trẻ dễ bị ngộ độc. Nguyên nhân thứ hai là paracetamol có nhiều các loại bào chế từ viên nén, viên đạn, dạng gói, dạng nước với nhiều hàm lượng khác nhau nên rất dễ nhầm lẫn khi sử dụng hàng ngày. Hoặc có một số trường hợp sốt cao mà bố mẹ cho rằng dùng hạ sốt liều cao sẽ hạ được nhanh. Điều đó rất dễ gây ngộ độc nhất là trẻ nhỏ. Nguyên nhân cuối cùng là do sự hướng dẫn giải thích của nhân viên y tế chưa đầy đủ khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận các trường hợp nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc loại thuốc thường dùng này. TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Ngộ độc cấp paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp và chủ yếu do lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà. Trường hợp này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyên, paracetamol không độc, nhưng khoảng 10% chất này ô xy hóa trong cơ thể thành chất độc có thể hủy hoại tế bào gan. Tuy chất này bị men Glutathion do gan sản xuất chuyển thành chất không độc và thải ra ngoài qua thận, nhưng quá liều Paracetamol gây ứ thừa chất độc này, hủy hoại cả gan, thận. Do vậy, để sử dụng paracetamol an toàn, người dân cần biết liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ thì lại gây ngộ độc. Trên thực tế các bác sỹ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.
Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol. Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước... Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.