'Đồng phục hóa' làng quê
Mới đây, tại Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có bài tham luận rất ấn tượng về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Ông Hoan nhận xét, nhiều làng quê hiện đại hơn nhưng dường như thô ráp, vô hồn do “đồng phục hóa”.
Ai trong chúng ta cũng đều có quê hương, đó là những ngôi làng quen thuộc. Làng quê là nơi cân bằng cảm xúc với những con đường quanh co, những tường rào phủ dây leo. Ao làng, giếng làng, những dòng mương trong veo cũng là nơi đong đầy kỷ niệm. Làng chính là nơi lưu giữ chiều sâu văn hóa, là nơi chốn đi về làm dịu mát tâm hồn.
Nhưng với không ít người đi làm ăn xa làng, sống ở thành thị thì nay về làng thấy thay đổi nhiều quá, như thể làng đã biến mất.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu to lớn, nông thôn khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. Nhưng “đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức... Đường hóa phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau” - ông Hoan tâm tư.
Văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể, tưởng như khác biệt nhưng kỳ thực vẫn tác động qua lại lẫn nhau. Nhà cao lên, tường cao lên, cửa đóng then cài thì tình làng làng nghĩa xóm cũng hao hụt. Xây dựng nông thôn mới là để người dân sung túc hơn, sống hạnh phúc hơn, yêu quý ngôi làng của mình hơn. Trong thời buổi đô thị hóa rầm rộ, phố cứ sầm sập tiến về làng thì ngôi làng còn giữ được bản sắc, đậm chất văn hóa sẽ là sức hút khách phương xa tìm đến khám phát những nét tinh hoa. Và cũng là nơi để cho những người xa quê vật lộn trong cuộc mưu sinh có một chỗ cho tâm hồn nương náu. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị tinh thần cốt lõi.
Thật bồi hồi khi Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng ai trong chúng ta cũng yêu làng quê của mình, nhưng rồi bỗng một ngày nơi ấy chỉ còn trong nỗi khắc khoải. Bôn ba chốn thị thành, hình ảnh làng quê chỉ còn mờ ảo như những cuộn khói mùa đốt đồng. Đôi khi trở về nơi mình ra đi như một cuộc du ngoạn, về rồi vội vã rời đi. Vội vã có khi vì công việc, mà cũng có khi vì nơi ấy không còn cảm xúc thân thuộc như ngày nào.
Chính vì thế, ông Hoan đề xuất cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình nhằm cụ thể hóa Luật Di sản Văn hóa, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2022. Mỗi địa phương cần tạo ra khác biệt trong xây dựng nông thôn mới.
Gần đây phong trào xây cổng làng rất rầm rộ. Những chiếc cổng làng nhuốm màu thời gian bị phá đi, xây mới không ăn nhập gì với cảnh quan và văn hóa thẳm sâu của làng. Rồi những con đường từ ngoài dẫn vào làng nhất loạt bê tông hóa. Ao hồ bị lấp lấy đất xây nhà. Làng cũng đủ cả karaoke, gội đầu thanh nữ, quán nhậu mở thâu đêm. Nói tóm lại là làng bây giờ khá giống nhau, vì chung một “phom” phát triển.
Nhận ra điều đó, nhiều lãnh đạo địa phương nêu kiến nghị trong xây dựng nông thôn mới các tiêu chí không nên áp chung, mà mỗi địa phương cần dựa vào thế mạnh của mình để tạo ra sự khác biệt, đa dạng. Chính sự khác biệt đó sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để tạo ra sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những di sản nét đẹp văn hóa đặc trưng.
Trở lại với việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ông thật chí lý khi cho rằng nông thôn mới phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giá trị truyền thống. Văn hóa cội nguồn của làng phải được gìn giữ bằng mọi cách, hài hòa với cuộc sống hiện đại. Đây thực sự là điều rất quan trọng khi chúng ta nhìn lại cả nước còn bao nhiêu làng là làng cổ? Ngay như những ngôi làng lừng danh như Bát Tràng, Đường Lâm... thì cũng đã “xôi đỗ” về mặt kiến trúc, không biết cả trăm năm nữa có khôi phục lại được vẻ đẹp đã từng đạt đến độ cổ điển nữa hay không.