Nhu cầu nhà ở thực rất cao
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, nhu cầu sở hữu nhà chung cư của người dân vẫn rất cao nên giá khó giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, tâm lý của người dân trong bối cảnh lạm phát cũng có xu hướng đổ tiền vào BĐS như một kênh tích trữ an toàn. Bởi vậy, khó có thể kỳ vọng giá nhà chung cư sẽ giảm. Đáng chú ý, giá chung cư khu vực ngoại thành được dự báo sẽ còn tăng hơn khu vực trung tâm vì giá đất ngoại thành tăng nhanh.
Ngoài yếu tố giá cả, chung cư còn có nhiều tiện ích hấp dẫn khác khiến người dân lựa chọn như đầy đủ các dịch vụ cộng đồng, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, liên kết vùng thuận tiện cho việc di chuyển, dự án gắn liền với phát triển xanh, bền vững... Đó là những yếu tố đáp ứng nhu cầu của người dân.
Với tình hình diễn biến của thị trường BĐS: Thanh khoản suy giảm, nhiều doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư kêu khó, ông Đính cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Theo đó, thị trường BĐS có điểm nghẽn về pháp lý và hiện nay khoảng 70% DN đang bị vướng vào vấn đề này; Nguồn vốn tín dụng, đặc biệt dành cho người mua nhà, cho thị trường người tiêu dùng. Bên cạnh đó kênh tạo vốn cho DN như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác đang trục trặc...
Đặc biệt hàng hóa trên thị trường hiện nay có tính chất không phù hợp với nhu cầu, chủ yếu là những hàng hóa nằm ở phân khúc cao cấp. Quan trọng nữa là niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường đang bị sụt giảm. “Nếu chúng ta không tháo gỡ các điểm đã nêu trên sẽ không thể thúc đẩy thị trường BĐS hồi phục và phát triển” - ông Đính nhấn mạnh.
Theo đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, vừa qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg nhằm rà soát thực trạng khó khăn của DN, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Tiếp đó Chính phủ lại có Công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 trước đó, trong đó nhắc đến các doanh nghiệp BĐS với các vấn đề phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời là hàng loạt các công điện gửi đến các bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho DN như tín dụng, phát hành trái phiếu...
Những động thái trên của nhà quản lý được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại.
“Quý I và II/2023, thị trường BĐS Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý, dự án cần thêm thời gian. Bước sang quý III/2023, thị trường BĐS sẽ dần phục hồi, phát triển minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý” - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo.