Không cào bằng trong đãi ngộ
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo nhằm xem xét, đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 2022-2025.
Bộ GDĐT cũng đề xuất xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, để tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích cho đội ngũ nhà giáo.
Theo đó, có một số nội dung mới liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Cụ thể, dự thảo Luật Nhà giáo quy định một số nội dung mới, như: Các trường hợp xem xét đặc biệt trong tuyển dụng; quy định thuyên chuyển công tác phù hợp đặc thù riêng của ngành giáo dục; các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh và khen thưởng giáo viên; quy định về trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế, trợ cấp hưu trí… Đặc biệt, các chính sách được xây dựng hướng đến mục tiêu “làm nhiều nhận đãi ngộ nhiều”, “có chế độ ưu tiên đối với người đạt thành tích xuất sắc”, xóa bỏ tư tưởng cào bằng về đãi ngộ là một trong những thay đổi quan trọng nhằm động viên tinh thần đội ngũ nhà giáo, qua đó phát huy hiệu quả công việc, đảm bảo công bằng và thực chất.
Cũng liên quan đến chính sách đối với nhà giáo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục nhà giáo (Bộ GDĐT) cho biết, khi sửa đổi các Thông tư liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, dự kiến trong thời gian tới, giáo viên Mầm non từ hạng 3 lên hạng 2 chỉ còn 3 năm (thay vì 9 năm như trước, rút gọn 6 năm).
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng quan tâm tính theo vùng miền khi sửa Thông tư 16 về vị trí việc làm đối với giáo viên phổ thông công lập và thông tư 06 đối với giáo viên mầm non công lập. Cụ thể, nếu như trước đây, khi xác định vị trí việc làm và tính định mức số lượng làm việc thường cào bằng tất cả các vùng miền trên toàn quốc. Nhưng tiến tới, Bộ GDĐT sẽ tính theo theo vùng miền, theo sĩ số của lớp học, của địa phương cụ thể, không cào bằng giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Từ góc độ quản lý, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, trước đây giáo viên dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình cũ được nhận thêm thu nhập từ kinh phí dạy học buổi 2. Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dạy học 2 buổi/ngày trở thành yêu cầu bắt buộc nên không có thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Do đó, Sở GDĐT TPHCM đề xuất Bộ GDĐT quy định cụ thể số buổi học tối thiểu của chương trình dạy học 2 buổi/ngày để làm cơ sở cho các trường tính toán số buổi học còn lại triển khai chương trình nhà trường, qua đó tăng thêm thu nhập cho giáo viên.
Trả lương xứng đáng với lao động, công sức bỏ ra là điều không chỉ ngành giáo dục mà tất cả mọi ngành nghề trong xã hội đều hướng tới và mong muốn. Chia sẻ những khó khăn, thách thức mà đội ngũ nhà giáo đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo là một trong những giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu tình trạng giáo viên xin nghỉ việc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là các nhà trường cần quan tâm, hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn trong công tác, không để thầy cô nào cảm thấy cô đơn khi “ra trận”.