Gỡ rào cản, duy trì tăng trưởng
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do dịch Covid -19, giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao... là những yếu tố tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Trong bối cảnh khó khăn đó, ngành chăn nuôi vẫn duy trì đà tăng trưởng, đến nay, tổng đàn lợn của cả nước khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2%; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con, tăng 1,4%; đàn bò khoảng 6,53 triệu con, tăng 1,9%. Sản lượng thịt hơi khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%.
Tuy nhiên, vẫn cần phải nhìn nhận, ngành chăn nuôi đã phải rất chật vật mới có thể duy trì được đà tăng trưởng nói trên. Bởi thực tế, nhìn vào bức tranh ngành chăn nuôi của cả năm 2022, người nông dân, nhà sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Theo phản ảnh của các nông hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí đầu vào sản xuất của ngành chăn nuôi tăng cao, nhưng giá sản phẩm trên thị trường lên xuống rất bấp bênh. Ngay ở thời điểm hiện tại, mặc dù là cuối năm, nhưng giá thịt lợn vẫn đang giảm.
Đại diện Hội Chăn nuôi Hà Nội nhận định, giá lợn hơi bình quân hiện nay là 50.000 đồng/kg, mức này là đã giảm khoảng 2.500 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước. Với mức giá này, các DN chăn nuôi lớn chỉ có lãi chút ít, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần thua lỗ. Đáng nói, nhiều hộ chăn nuôi tái đàn lợn từ tháng 6/2022 để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng thời điểm này đang trong tâm trạng thấp thỏm, bởi nếu giá lợn hơi không tăng trong những ngày tới thì một chu kỳ thua lỗ mới sẽ bắt đầu.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Dương Tất Thắng, năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, các DN, hợp tác xã trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường.
Để tháo gỡ những rào cản, thách thức đang kìm sự phát triển của toàn ngành chăn nuôi, ông Thắng cho rằng, trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội thì cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời có các cơ chế thu hút sự tham gia đầu tư của DN trong và ngoài nước vào lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2023 của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra mới đây, việc tháo gỡ khó khăn về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chi phí logistics để tạo động lực cho ngành chăn nuôi phát triển tiếp tục được nhà quản lý, giới chuyên gia trong ngành “mổ xẻ” kỹ lưỡng. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, tăng trưởng của ngành chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu. Đến nay ngành chăn nuôi đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu như: xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc; thịt gà sang Nhật Bản, thịt lợn, sữa sang Hongkong (Trung Quốc), thịt lợn mảnh sang Hàn Quốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giải pháp thị trường chính là động lực để tháo gỡ khó khăn và duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian tới: "Một trong những yếu tố quan trọng là phải xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn từ các hàng rào kỹ thuật và mở rộng được thị phần, thị trường ở các nước. Tin tưởng những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi đủ năng lực để chế biến và chế biến sâu trong thời gian tới có nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đó chính là động lực và giải pháp quan trọng để kéo tăng trưởng chăn nuôi trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm; lấy DN làm yếu tố chủ đạo, hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
Một trong những yếu tố quan trọng là phải xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn các hàng rào kỹ thuật và mở rộng được thị phần, thị trường ở các nước. Tin tưởng những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi đủ năng lực để chế biến và chế biến sâu trong thời gian tới có nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đó chính là động lực và giải pháp quan trọng để kéo tăng trưởng chăn nuôi trong giai đoạn tới – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.