Giám sát thu hồi đất
Ngày 28/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công khai 4 dự án có quyết định thu hồi đất. 4 dự án này thuộc địa bàn quận Đống Đa, huyện Mê Linh, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Đây được coi là động thái quyết liệt của Hà Nội khi mà tình trạng chậm tiến độ, cố tình chây ỳ, bỏ hoang đất rất lãng phí vẫn tồn tại như một căn bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, đáng chú ý theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong vai trò là cơ quan thường trực sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; các dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động. Qua đó tạo sự đồng thuận, giám sát của nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Có nghĩa là việc thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư chậm tiến độ, chây ỳ sẽ thực hiện công khai, minh bạch.
Trước đó, ngày 28/10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã công bố thông tin 23 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố. Trong đó, huyện Thạch Thất có nhiều dự án bị thu hồi nhất.
Tới ngày 20/12/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 334 về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, UBND TP sẽ tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022 để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.
Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, sẽ thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác, đồng thời công khai thông tin vi phạm, không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.
Cũng tại Kế hoạch 334, UBND TP Hà Nội cho biết trong năm 2023 sẽ cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sử dụng vốn ngân sách; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở xã hội cho thuê phục vụ các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp và học sinh, sinh viên. Cùng đó là tiếp tục rà soát các quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố.
Đây là quyết tâm của Hà Nội khi mà nhiều người dân không có nhà ở, giá bất động sản cao bậc nhất cả nước thì lại có không ít diện tích đất “đắp chiếu”, vừa gây lãng phí lớn vừa khiến dư luận bức xúc, mất công bằng.
Đất đai là tài nguyên quan trọng của quốc gia và giá trị loại tài nguyên này được thể hiện khi chúng được đưa vào sử dụng. Vì thế, với các dự án bị bỏ hoang cần phải được xử lý, thu hồi, “phân phối” lại một cách công bằng. Luật Đất đai 2013 quy định một trong những hành vi bị cấm đó là không sử dụng đất. Tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định rõ: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Luật Đất đai 2013 cũng quy định về thời hạn được phép gia hạn, nếu dự án chậm tiến độ thì tối đa chỉ được chậm 48 tháng, bao gồm cả thời hạn gia hạn.
Nhưng trên thực tế nhiều dự án bỏ hoang đến hàng chục năm nhưng không bị thu hồi. Lỗi là ở cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất. Còn vì sao để xảy ra “lỗi” này thì lại là vấn đề khác. Vì thế, trong việc thu hồi đất, rất cần sự giám sát của nhiều cơ quan, nhưng trong đó không thể thiếu vai trò giám sát của người dân nơi có những dự án chiếm đất một cách hết sức vô lý từ năm này sang năm khác.