Giảm thuế, trợ lực cho doanh nghiệp
Nhiều hiệp hội, ngành hàng tiếp tục đề xuất Chính phủ gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), 2022 là năm có nhiều giải pháp toàn diện nhất, sâu rộng nhất, nhiều sắc thuế được hỗ trợ nhất để các doanh nghiệp phục hồi một cách an toàn và phát triển. Trong đó, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Đối với doanh nghiệp (DN), việc giảm thuế VAT có tác dụng thiết thực và có ý nghĩa quan trọng
Chủ tịch VTCA tiếp tục kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT trong năm 2023 để hỗ trợ cho người dân, DN tiếp tục phục hồi và phát triển.
Tương tự, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách thuế VAT. Công văn của FFA nêu: “Qua trao đổi tiếp xúc với DN nghiệp hội viên, chúng tôi nhận thấy các DN vẫn rất khó khăn”. Để hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi, FFA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.
Cũng theo FFA, ngành lương thực thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các hàng hoá thiết yếu, phục vụ người dân trong nước và xuất khẩu. Việc đảm bảo đủ nguồn cung, giá cả bình ổn… trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động khó lường và ngày càng gia tăng là bài toán rất khó đối với các DN trong ngành. Vì vậy, FFA khẳng định việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp thêm động lực giúp DN lương thực thực phẩm giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực nhất.
Còn trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đề xuất tiếp tục gia hạn chính sách giảm VAT 2% tới năm 2023. VBA cho rằng, năm 2022 khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát cùng với đó là chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ gồm chính sách giảm thuế VAT, các DN trong ngành đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực về phục hồi mới chỉ là bước đầu. Thời gian gần đây, các DN sản xuất và kinh doanh đồ uống đang phải chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng năng lượng, tăng giá nguyên, nhiên liệu do xung đột Nga - Ukraine; lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao...
VBA nhận định, có thể thấy chính sách giảm thuế VAT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của DN, khuyến khích tiêu dùng. Do đó, VBA đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian triển khai chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết 31/12/2023 và có thể xem xét áp dụng đối với tất cả các DN.