Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có 109 km đi qua vùng ĐBSCL
Sáng 1/1, điểm cầu Hậu Giang tiến hành lễ khởi công đồng loạt Dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cùng với 12 điểm cầu của cả nước.
Dự tại điểm cầu Hậu Giang có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cùng lãnh đạo Bộ, ngành cùng lãnh đạo các địa phươngn vùng ĐBSCL.
Tại điểm cầu Hậu Giang, đại diện các nhà thầu, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, để các dự án thành phần được triển khai xây dựng và hoàn thành đúng kế hoạch, việc đảm bảo đủ nguồn vật liệu cho các dự án là rất quan trọng.
Đặc biệt là các dự án trong khu vực ĐBSCL đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, với nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường sử dụng trong năm 2023 và 2024 khoảng 18,5 triệu m3. Nếu nguồn vật liệu cát cho dự án không được các địa phương quan tâm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chất lượng dự án.
“Chúng tôi kính mong luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trên địa bàn các tỉnh, thành phố có dự án đi qua cũng như các địa phương có nguồn vật liệu phục vụ dự án”, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc bày tỏ.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin tại buổi lễ: Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua, với chiều dài hơn 63km với 2.067 hộ dân và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha.
"Địa phương được giao nhiệm vụ tiến hành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Với tinh thần đó, đến nay, Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, với diện tích bàn giao đạt 84% diện tích phải thu hồi.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang quyết tâm: “Với trách nhiệm của Tỉnh Hậu Giang trong dự án này. Tôi kêu gọi các sở, ngành tỉnh, địa phương và nhân dân có dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện thi công sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong vùng ĐBSCL. Tạo làn sóng mới thu hút đầu tư trong các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.