Thăng trầm thị trường lao động
2022 là năm thăng trầm của thị trường lao động. Nếu như những tháng đầu năm ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục thì đến những tháng cuối năm, thị trường lao động đối mặt cú sốc lớn với hàng trăm nghìn người mất việc làm.
Hồi phục mạnh mẽ
Đầu năm 2022 khi không khí Tết vẫn còn, Vũ Thanh Nhàn (quê Thanh Hóa) đã nhận được cuộc gọi từ phòng hành chính của công ty ở Bình Dương. Nhàn lưỡng lự không muốn quay trở lại công ty, nơi cô đã gắn bó gần 10 năm. Song với chính sách phúc lợi hấp dẫn như được hỗ trợ hoàn toàn tiền vé tàu, xe vào Bình Dương cộng với việc tăng lương, chị quyết định gửi con cho ông bà nội, khăn gói cùng chồng vào Bình Dương.
Câu chuyện của công ty chị Nhàn hay những cuộc gọi của các doanh nghiệp (DN) động viên công nhân quay trở lại công ty là câu chuyện khá phổ biến hồi đầu năm 2022. Thậm chí để thu hút người lao động (NLĐ), nhiều DN cho xe về tận quê để đón công nhân, NLĐ quay trở lại làm việc.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lao động (tăng 36,18% so với cùng kỳ năm ngoái), với 107.000 việc làm mới (tăng gần 31%). Tương tự các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang…cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động.
Đánh giá về thị trường lao động 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thị trường lao động nước ta đã trở lại bình thường, phục hồi nhanh hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế và dự tính của chúng ta. Đến nay, quy mô lao động cả nước đã đạt 51,9 triệu người, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III/2022 và gần hết tháng 10 là 2,28%.
Để có được sự phục hồi mạnh mẽ là do những tháng đầu năm 2022 các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ. Điều này đã tạo bàn đạp để DN phục hồi sản xuất kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng cao.
“Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp. Ngành dịch vụ cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống” - bà Nguyễn Thu Hà (Adecco Việt Nam) đánh giá.
Cùng với thị trường trong nước, năm 2022 ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục của thị trường lao động ngoài nước. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 15/12, tổng số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài đã đạt gần 129 nghìn người, con số này vượt xa so với chỉ tiêu đề ra đưa 90 nghìn lao động đi làm việc trong năm 2022. Có được kết quả này là sự nỗ lực của Chính phủ, ngành chức năng, địa phương cũng như của các DN. Năm 2022, 3 thị trường trọng điểm thu hút đông nhất lao động nước ta sang làm việc là Nhật Bản: 60.105 người, Đài Loan (Trung Quốc): 53.883 người và Hàn Quốc: 8.193 người.
Đánh giá về việc triển khai chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTB&XH cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng trở lại so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Điều này ghi nhận sự phục hồi và khởi sắc với thị trường lao động ngoài nước. Đáng chú ý, trong năm 2022 ngoài những thị trường truyền thống, nhiều thị trường tiềm năng, thu nhập cao đã được thiết lập.
Đối mặt với khó khăn
Nếu như những tháng đầu năm ghi nhận sự sôi động cả cung và cầu thì những tháng cuối năm, thị trường lại rơi vào cú sốc khi làn sóng cắt giảm việc xảy ra trên diện rộng. Theo tổng hợp của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại các DN đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 đến ngày 10/12/2022, đã có 1.242 DN (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm có thể đến hết quý I, thậm chí quý III/2023. Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 DN tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 DN có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.
Để có thể vượt qua cú sốc này, theo ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động (NLĐ) của tổ chức công đoàn (như tặng quà), nhằm giảm bớt khó khăn cho NLĐ, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.
Đặc biệt, ông Hiểu cho rằng, cần có gói hỗ trợ riêng cho NLĐ tương tự các chính sách hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ...
Đồng tình với đề xuất này, song theo Bộ LĐTB&XH, số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các DN đến nay là hơn 600.000 người (khoảng 4% tống số lao động trong DN), trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50.000 người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng).
Trong khi đó, để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023, nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như: TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển 25.000 lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28.000 lao động, Bắc Ninh khoảng 20.000 lao động, Đồng Nai khoảng 12.500 lao động... Như vậy, ngay tại các địa phương có DN bị giảm đơn hàng vẫn có DN tăng nhu cầu tuyển dụng. Chính vì vậy, các giải pháp phục hồi thị trường lao động cần những giải pháp rất đa dạng.
Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH, để hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố cần có sự kết nối thống nhất, chia sẻ với nhau, khi đó các đơn vị, DN thiếu lao động ở địa phương này có thể sang địa phương khác để tuyển dụng. “Chúng ta cần nhìn nhận thị trường lao động và NLĐ là một yếu tố trong quá trình phát triển kinh tế chứ không chỉ nhìn ở góc độ an sinh. Vì vậy, trong quy hoạch và cơ cấu thu hút đầu tư hiện nay, các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực và quy hoạch nguồn lực lao động” - ông Bình nhấn mạnh.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã phục hồi nhanh trong năm 2022. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả cơ hội và khó khăn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Để vượt qua những khó khăn sắp tới, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể trả lời cho những vấn đề đang đặt ra ở cả lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội…” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh.