Ấn tượng một năm vượt bão
Năm 2022, thế giới quá nhiều biến động. Năm 2022 cũng là năm Việt Nam vượt qua khó khăn thách thức, đạt kết quả rất ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Khi thế giới bước vào năm mới 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết lạm phát toàn cầu năm 2022 ở mức 9,5%; tăng trưởng GDP trên dưới 2,8%. Trong khi đó tăng trưởng GDP của Việt Nam 8,02%, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,15%.
Năm 2022 cũng là năm thành công của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2022 cũng là năm cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử; nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm bị kỷ luật nghiêm minh. Niềm tin trong toàn xã hội được củng cố, nâng cao.
Những con số ấn tượng
Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều định chế tài chính quốc tế đánh giá, 2022 là năm rất thành công của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm, lạm phát tăng cao, dai dẳng kéo dài.
Trong 3 năm đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam như sau: Năm 2020: 2,9%; Năm 2021: 2,58%; Năm 2022: 8%.
Như vậy, trong cả 3 năm khó khăn liên tục, khi nhiều nền kinh tế bị âm hoặc tăng trưởng rất thấp thì Việt Nam vẫn tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2022, mức tăng trưởng ấn tượng với 8%.
Ngày 12/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kể từ đó Việt Nam mở cửa, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Tiếp đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là nền tảng để kinh tế nước nhà bứt phá trong năm 2022.
Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại những kết quả lớn lao. Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 FTA ở cả cấp độ song phương và nhiều bên, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/12, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lập kỷ lục mới khi vượt qua con số 700 tỷ USD (năm 2021 là 668,5 tỷ USD). Còn theo Bộ Công thương, dự kiến cả năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD.
Những tháng cuối năm 2022, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung xăng dầu có lúc tưởng chừng đứt quãng. Thị trường bất động sản đi xuống. Cùng với ngân hàng, các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp khó. Tuy nhiên, trong khó khăn ấy, chúng ta đã có những giải pháp để vượt qua, càng cho thấy nội lực, sức chống chịu của một nền kinh tế vững chãi. Điều đó thể hiện ở những con số tổng sản phẩm quốc nội: Năm 2020 quy mô nền kinh tế Việt Nam là 343 tỷ USD; Năm 2021: 326,5 tỷ USD; Năm 2022 ước khoảng 394,5 tỷ USD.
Vị thế Việt Nam được nâng cao
Năm 2022, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Trong đó nổi bật là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, từ ngày 30/10 - 1/11, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; và Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XX; được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay. Hai bên cũng đã ký kết 13 văn kiện hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, địa phương.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên nhấn mạnh hai nước Việt Nam và Trung Quốc kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa với mục tiêu căn bản là mang lại sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân; phát huy ưu thế gần gũi về địa lý và bổ sung lẫn nhau về ngành nghề, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn lợi ích của nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí về việc tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; cho rằng việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực...
Cùng trong năm 2022, ngày 11/10, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong 3 trụ cột của LHQ và Hội đồng Nhân quyền LHQ; là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ. Chính vì thế, việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện; không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh
Năm 2022 tiếp tục là một năm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng bị khởi tố, xét xử; nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Trong đó có thể kể đến một số vụ án rất được dư luận quan tâm, gồm: Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Vụ án thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn FLC. Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC; Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan; Vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty AIC, bệnh viện Đồng Nai và các đơn vị liên quan. Ngày 29/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với nhiều bị can, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC; Vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị có liên quan. Vụ án được Cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1/2022, liên quan đến việc nâng khống chi phí đưa công dân Việt Nam về nước, trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19...
Nhìn lại một năm “vượt bão”, tin rằng thành công cũng như bài học kinh nghiệm sẽ là nền tảng vững chắc để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.