Tìm cách 'giữ chân' nhân viên y tế
Làm gì để giữ chân nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập là câu hỏi lớn trong suốt năm 2022 vừa qua. Theo thống kê, chỉ trong vòng 1 năm, hàng nghìn nhân viên y tế đã xin thôi việc. Nhiều chuyên gia dự báo, xu hướng này vẫn chưa chấm dứt trong năm 2023.
Bộ Y tế đã và đang thực hiện một số giải pháp để góp phần ổn định, phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập, trong đó xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như đề xuất: tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; chế độ phụ cấp chống dịch (phụ cấp thường trực chống dịch và phụ cấp trực tiếp chống dịch Covid-19).
Đi tìm nguyên nhân
Thực tế, hiện tượng nhân viên y tế chuyển việc từ công sang tư đã xuất hiện trong nhiều năm qua, tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, số lượng nhân viên y tế chuyển việc từ công sang tư có xu hướng tăng và tăng đột biến trong năm 2022. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại tuyến y tế cơ sở, mà ngay cả tại những bệnh viện tuyến trung ương.
TS.BS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhân viên y tế chuyển từ công sang tư chủ yếu là chế độ tiền lương, thu nhập thấp. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội thì 48% trường hợp nhân viên xin thôi việc là do nguyên nhân này. Các nguyên nhân khác có tỷ lệ thấp hơn bao gồm gia đình, sức khỏe và môi trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt... Chúng ta đều biết, đại dịch Covid-19 đã tác động vô cùng lớn đến toàn thế giới, với mỗi con người và ngành Y cũng không ngoại lệ. Suốt thời gian Covid-19 bùng phát, các y, bác sĩ đã phải làm nhiều nhiệm vụ chưa từng có, như cách ly, xét nghiệm, hỗ trợ người bệnh tại nhà, chiến dịch tiêm chủng...” – bà Hà nói và cho biết, có những thời điểm các y, bác sĩ phải tổ chức tiêm chủng tới 4 giờ đồng hồ mỗi ngày, công việc rất căng thẳng, liên tục, kéo dài, không có ngày nghỉ. Đó là sự hy sinh quá lớn, thời gian căng thẳng quá dài trong khi đó, cũng vì Covid-19 nên người dân có tâm lý e ngại và không muốn tới bệnh viện, điều này dẫn đến nguồn thu của các bệnh viện tự chủ sụt giảm nhiều, không đủ tài chính đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Thu nhập thấp khiến các nhân viên y tế bỏ việc. Một vấn đề khác cần nhắc tới, áp lực xã hội với ngành y tế sau các vụ vi phạm pháp luật cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các y, bác sĩ.
Ở chiều ngược lại, y tế tư nhân phát triển mạnh sau đại dịch, chủ động về thuốc men, vật tư tiêu hao, môi trường làm việc và thu nhập hấp dẫn, bác sĩ chỉ cần khám chữa bệnh, không cần lo đấu thầu mua sắm hay thủ tục chữa trị. Vì vậy, họ có xu hướng lựa chọn làm việc cho y tế tư nhân.
Thật vậy, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng y bác sĩ nghỉ việc, đó là thu nhập chưa tương xứng với công sức, nói như lời của một vị bác sĩ là: “Thu nhập không đủ để chúng tôi nuôi gia đình”. Một số liệu có khả năng khiến nhiều người bất ngờ, nếu tính cả phụ cấp thì lương/tháng của một bác sĩ là viên chức mới ra trường khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, công tác 5 năm thì vào khoảng 5,2 triệu đồng/tháng, còn lương của điều dưỡng thì thấp hơn nữa. Một điều dưỡng chưa là viên chức nhận lương khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, còn là viên chức mới ra trường thì khoảng 4 triệu đồng/tháng, còn nếu làm việc được 10 năm thì lương nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tất cả những con số nói trên đều đã tính thêm phụ cấp ngành. Trong khi, với các cơ sở y tế ngoài công lập, thu nhập sẽ cao hơn 5-6 lần.
Đã nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai để chuyển sang công tác tại cơ sở y tế tư nhân được 1 năm nay, BS Nguyễn X. M. tâm sự: “Được làm việc tại một bệnh viện lớn tuyến Trung ương là điều mà tất cả những người theo ngành y như chúng tôi ao ước khi mới ra trường. Ở đó, chúng tôi được dìu dắt và làm việc cùng những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, được nắm bắt những kiến thức và phương pháp điều trị mới nhất. Thế nhưng, đi kèm với đó là những áp lực đè nặng về kinh tế, áp lực vì thiếu trang thiết bị y tế khi điều trị bệnh nhân, áp lực vì có thể bị bạo hành...”.
Cần có giải pháp
Trao đổi về vấn đề này, TS. BS Lê Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, các y, bác sĩ cũng đã phải chịu những áp lực lớn trong công việc, như ít thời gian nghỉ ngơi, môi trường làm việc không an toàn… và đại dịch chính là “giọt nước tràn ly” đối với sức khỏe, tinh thần và thể chất của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ như lương, thưởng, tiền trực đều chưa đáp ứng được tối thiểu nhu cầu sống của người làm ngành y chúng tôi.
Thực tế, để đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không ít nhân viên y tế đã phải làm thêm ngoài giờ, bán hàng online. Vì thế, các nhân viên y tế tìm tới khu vực tư nhân với suy nghĩ sẽ được làm việc trong môi trường bớt áp lực, an toàn hơn và thu nhập cao hơn. Đó là lý do khiến cho ngành y ngày càng thiếu nhân lực”.
Ở một góc nhìn khác, PGS. TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bày tỏ lạc quan rằng, việc nhân viên y tế chuyển từ công sang tư cũng không phải là thảm họa. “Về mặt bản chất thì nguồn lực y tế không mất đi đâu mà chỉ là chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Ở đâu thì các y bác sĩ cũng đều làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” – Bác sĩ Ánh nói và nêu quan điểm, việc nhân viên y tế nghỉ việc chỉ mang tính nhất thời. Trong tương lai, khi các bệnh viện công dần đảm bảo được nguồn thu nhập thì sẽ chấm dứt tình trạng này. Ông Ánh cũng cảnh báo, nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sẽ gây rối loạn cho việc bảo đảm sức khỏe của nhân dân bởi, bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư hết thì ai khám, chữa bệnh cho người nghèo?
Để giải quyết tình trạng “nhảy việc” của các y, bác sĩ, ông Ánh cho rằng: “Cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, dù giải pháp gì cũng đều phải chú trọng vào tăng cường sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập mới có thể giữ chân được các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực này. Đặc biệt, cần làm sao để nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định:
Sửa chính sách công để giữ cán bộ
Dùng cụm từ “chảy máu chất xám” khi nói về tình trạng nhân viên y tế chuyển việc từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân là không đúng. Vì các bác sĩ vẫn ở trong nước, vẫn tiếp tục đóng góp cho đất nước, nhân dân vẫn được hưởng lợi. Bác sĩ nghỉ việc là do cơ chế chính sách, bệnh viện công sử dụng không tốt thì họ phải chuyển sang làm ở tư nhân. Để không tiếp diễn tình trạng này, chúng ta phải sửa chính sách công để giữ các cán bộ. Ngay cả đơn vị hành chính nhà nước cũng thế.
TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế:
Bệnh viện công phải có sức hút
Khi một nhân viên y tế nghỉ việc, cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm để đào tạo, huấn luyện được một cán bộ có tay nghề, có chuyên môn. Trong khi đó, chính nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công. Khi thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế công lập sẽ không bảo đảm. Khi đó, người bệnh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhất. Để giải quyết tình trạng này cần nhiều giải pháp. Song điều quan trọng là các bệnh viện công lập cần phải có những cơ chế hấp dẫn, tạo sức hút để có thể giữ chân được các bác sĩ, nhân viên y tế.