Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Với chiều dài gần 80km, đi qua địa giới của 4 tỉnh, Dự án đường Vành đai 3 TPHCM được ví như tuyến “xương sống” kết nối 3 trụ cột của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vị trí địa kinh tế thuận lợi tạo điều kiện lưu thông trực tiếp giữa vùng đồng bằng trù phú Tây Nam bộ với thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, mà TPHCM là trung tâm của vùng.
Dồn tổng lực để đảm bảo tiến độ
Ngay sau khi được Quốc hội nhấn nút phê duyệt dự án, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt đối với TPHCM và các tỉnh có dự án đi qua để đảm bảo đúng tiến độ Quốc hội yêu cầu. Đây là dự án có tầm quan trọng bậc nhất kể từ trước tới nay, có sức ảnh hưởng không chỉ TPHCM mà còn mở ra “nút thắt” về giao thông, thông thương hàng hóa cho toàn vùng, nhất là vai trò kết nối giữa các trụ cột chính (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương) của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng tài nguyên trù phú Tây Nam bộ.
TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và quản lý TPHCM đánh giá, việc tạo thêm động lực để vùng kinh tế trọng điểm quốc gia tiếp tục phát triển, đóng góp vào tăng trưởng của cả nước thông qua cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông là một quyết sách thể hiện tầm nhìn dài hạn của Trung ương và đồng thời cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng để TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế cả nước.
Điều này càng được quan tâm hơn bao giờ hết khi kinh tế TPHCM có xu hướng tăng trưởng chậm lại kể từ thời điểm chịu tác động của đại dịch Covid-19 (năm 2020) cho đến nay.
Theo bà Sâm, hiện nay mọi ưu tiên cao nhất về tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù, kể cả về cơ chế tài chính để đảm bảo tiến độ cho Dự án đường Vành đai 3 cũng được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cho thấy sức ảnh hưởng của dự án này đến kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, trong năm 2022 chứng kiến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ thường xuyên có các chuyến công tác và dành thời gian đến kiểm tra, thị sát, thực địa, động viên các địa phương đảm bảo tiến độ của dự án đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của dự án Vành đai 3 không chỉ đối với “đầu tàu” kinh tế TPHCM, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn có ý nghĩa để đảm bảo tăng trưởng chung của cả nước. “Tại buổi làm việc vào cuối tháng 11/2022, Thủ tướng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án vành đai 3. Thủ tướng yêu cầu phải tập trung cao nhất, bố trí đủ vốn để đảm bảo tiến độ của dự án. Một lần nữa, chúng ta đang chứng kiến một trong những dự án dành được sự quan tâm, đôn đốc, chỉ đạo sát sao của cả trung ương, các bộ, ngành và từng địa phương có dự án đi qua” - ông Ninh đánh giá.
Điểm nhấn giải phóng mặt bằng
Đúng như cam kết của Chính phủ, Dự án đường Vành đai 3 là dự án kiểu mẫu về tốc độ triển khai đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án, với quyết tâm cao nhất để khởi công từ 30/6/2023.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, dự án có ý nghĩa và vai trò rất lớn đối với TPHCM, nhất là khả năng hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng vốn còn đang thiếu, yếu và chưa đồng bộ.
Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án, TPHCM cũng tạo ra hành lang các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình. Hiện nay, các sở, ban, ngành cũng đang tham mưu cho UBND thành phố các bước tiếp theo, nhất là giải pháp khai thác hiệu quả đường Vành đai 3 TPHCM trong việc kết nối với hệ thống giao thông khu vực, kết nối các đô thị, khu công nghiệp, các cảng biển, các khu dân cư, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng.
Ngoài TPHCM, lãnh đạo tỉnh Long An cũng đặc biệt quan tâm đến tiến độ Dự án đường Vành đai 3 TPHCM do một phần quan trọng của dự án đi qua địa bàn tỉnh này.
Theo ông Trần Thiện Trúc - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Long An, Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Long An có chiều dài khoảng 6,8km. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua và sau chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Long An đã giao chủ đầu tư triển khai các hạng mục hợp đồng. Trong đó, các dự án thành phần về xây lắp và giải phóng mặt bằng đều đã được tỉnh này triển khai. Dự kiến trong tháng 12/2022, địa phương sẽ hoàn thành kê biên 100% các hộ dân trong vùng dự án. Dự kiến sau ngày 15/4/2023 có thể chi trả tiền GPMB cho người dân.
“Với tiến độ như hiện nay, tỉnh Long An đang kiểm soát tốt các nội dung nghị quyết của Quốc hội đưa ra, cố gắng giữa tháng 6/2023 sẽ khởi công” - đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Long An khẳng định. Tương tự, tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng đang triển khai rốt ráo các hạng mục của dự án về giải phóng mặt bằng, với tiến độ cao nhất. Ông Nguyễn Bồn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh có 2 đoạn, trong đó đoạn 1a do Bộ GTVT đang triển khai thi công, còn lại đoạn 2a được phân cho tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Hiện tỉnh Đồng Nai đã triển khai giao ranh mốc được 80%, 20% còn lại đối với các vị trí nút giao phức tạp hơn sẽ được tỉnh này giao ranh GPMB ngay trong giai đoạn kế tiếp.
Về điểm nhấn của dự án trong công tác bồi thường GPMB, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Dự án đường vành đai 3 TPHCM lên kế hoạch đến tháng 6 năm 2023 giải phóng 70% mặt bằng là một kỷ lục về tiến độ thời gian nếu so sánh ngay với kinh nghiệm từ thực hiện Dự án Vành đai 2.
Theo ông Dũng, người dân chấp nhận việc đề bù thì quá trình giải tỏa dễ dàng hơn. “Nếu không vì những lý do bất khả kháng thì cần cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để GPMB cho dự án” - ông Dũng góp ý.
Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ GTVT cho rằng, đến thời điểm này chúng ta có thể giải phóng mặt bằng được 80-90% cho dự án. Đây là bằng chứng rõ nhất cho sự nỗ lực của các địa phương, của ngành giao thông để thấy được chúng ta đều đang quyết tâm làm được Vành đai 3 TPHCM vào cuối năm 2025.