Hương Xuân bên dòng sông Tiền
Dọc chiều dài sông Tiền, từ đầu nguồn An Phú, Tân Châu cho tới những nhánh hạ lưu ở Cửa Đại, Cửa Tiểu được ôm ấp bởi những vùng đất bạt ngàn hương hoa. Đó là Sa Đéc (Đồng Tháp) và Chợ Lách (Bến Tre), nơi mà cứ mỗi độ Xuân về hoa kiểng lại bung sắc rực rỡ.
Thành phố hoa trên mặt nước
Đến Sa Đéc (Đồng Tháp), có cảm giác như lạc vào thế giới của các loài hoa. Đây được coi là “vương quốc hoa kiểng” của dải đất đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền với những đặc sản du lịch miệt vườn. Một vùng đất êm đềm, pha trộn nhiều màu sắc văn hóa lâu đời.
Dù cầu Mỹ Thuận cách đó không xa nhưng thật đặc biệt ở Sa Đéc, chuyến phà chạy ngang qua sông Tiền vẫn ngày ngày hoạt động, đi đi về về lặng lẽ như hàng trăm năm trước. Đây cũng là một trong những chuyến phà hiếm hoi còn lại chạy ngang qua dòng chính của sông Tiền, khi mà những cầu Mỹ Thuận, Cao Lãnh, Rạch Miễu... đã mọc lên. Càng đặc biệt hơn, những năm tới, nhiều tuyến phà vượt dòng chính sông Tiền, sông Hậu sẽ được thay thế bằng dự án xây cầu thì ở Sa Đéc có lẽ vẫn tồn tại các chuyến phà, như một điểm nhấn đặc biệt của vùng đất này.
Ở Sa Đéc có cách trồng hoa rất độc đáo. Đó là trồng hoa trên mặt nước. Những năm trước, lúc đi qua phà Sa Đéc để tới thành phố này, chúng tôi sửng sốt khi thấy người dân trồng hàng nghìn chậu hoa trên những giàn cao, giữa mênh mông đồng nước, ngay ven bờ sông.
Có lẽ, thành phố được sinh ra, nằm kề bên dòng sông mẹ Mê Kông nên cách trồng hoa cũng còn giữ được nguyên bản như hàng trăm năm qua vậy.
Ông Nguyễn Văn Vịnh - một nông dân hơn 60 tuổi ở phường Tân Quy Đông chia sẻ, trồng hoa trên mặt nước có lợi hơn trên mặt đất rất nhiều. “Trồng trên giàn ở đồng nước giúp mình có nước để duy trì việc tưới cây thường xuyên, ngày 3 lần. Ngoài ra rất nhiều loại sâu cũng không thể tiếp cận và gây hại cho hoa được, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... Hoa ở trên giàn giữa mặt nước phát triển tự nhiên mà chi phí cũng rẻ hơn”- ông Vịnh kể.
Nghe ông kể, nhìn ruộng hoa hồng hơn 4 nghìn chậu rực rỡ trong ánh nắng của mùa xuân phương Nam in bóng xuống mặt nước mà tôi cũng nao nao trong lòng. Có lẽ, hình ảnh những nông dân ngồi trên chiếc ghe xuồng nhỏ, len lỏi giữa những hàng cây hoa kiểng là hình ảnh độc đáo, đặc sắc và chỉ ở Sa Đéc mới có mà thôi.
Không chỉ có hoa cây kiểng, thành phố này còn có một câu chuyện tình lãng mạn như bông hoa hồng đầy bí ẩn trong ngôi biệt thự cổ mang tên “Huỳnh Thủy Lê” và tiểu thuyết văn học kinh điển mang tên “Người tình”.
Chuyện tình đó xảy ra hồi đầu thế kỷ 20, giữa Huỳnh Thủy Lê, chủ nhân căn biệt biệt này - một công tử của gia đình gốc Hoa sinh sống ở Sa Đéc. Ông yêu cô gái người Pháp tên Duras, dù hai người đã đoàn tụ ở bên Pháp nhưng vì nhiều lý do không sống trọn vẹn cùng nhau. Sau này bà Duras trở thành nhà văn, viết tiểu thuyết “Người tình” về chính cuộc đời bà, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên khắp thế giới. Thậm chí sau này, bộ phim “Người tình” dựa theo tiểu thuyết trên còn nổi tiếng hơn, được nhiều khán giả khắp thế giới biết tới và là một trong những bộ phim hay nhất về tình yêu. Hiện nay, ngôi biệt thự cổ nhìn ra phía bờ sông Tiền vẫn giữ được nét văn hoa kiến trúc gần như nguyên vẹn mấy trăm năm trước.
Vùng đất quanh năm ngọt ngào
Từ Sa Đéc xuôi theo dòng sông khoảng 30 cây số, sông Tiền tách ra làm hai nhánh, tạo ra dải đất mang tên Chợ Lách mà thực tế là một cù lao khổng lồ được bao bọc bởi hai dòng sông Cổ Chiên và sông Tiền. Nếu Sa Đéc chỉ toàn hoa cây kiểng thì Chợ Lách vừa là vựa hoa cây kiểng, vừa là thủ phủ của những cây non. Nghề ươm cây giống ở Chợ Lách phủ bóng khắp các tỉnh phía Nam.
Chúng tôi biết nhiều nông dân ở Bình Phước, Đồng Nai hay Lâm Đồng cũng lặn lội về xứ Chợ Lách tìm mua cây giống. Bên cạnh hàng triệu nông dân miệt đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày cuối năm, đi dọc quốc lộ 57 hay những tuyến đường liên xã, liên ấp là vô vàn những vườn hoa kiểng, vườn ươm cây giống đang vào vụ.
Được dòng sông Tiền bồi đắp phù sa tươi tốt từ hàng nghìn năm qua, Chợ Lách là vùng đất đặc biệt quanh năm “ngọt ngào”. Mùa mưa thì phù sa từ thượng nguồn đổ về, tích tụ lại. Mùa khô thì nước mặn từ cửa biển đẩy lên, nhưng chỉ tới vùng Mỹ Tho, Châu Thành chứ hiếm khi nào Chợ Lách bị nhiễm mặn.
Mặc dù nằm giữa những dòng sông rộng lớn, là cù lao biệt lập cho tới khi cầu Rạch Miễu được dựng lên nhưng Chợ Lách lại là một vùng đất có cư dân định cư lâu đời nhất ở dải đất chín rồng.
Rất nhiều người bị cuốn hút nếu vô tình đi ngang qua Chợ Lách dù đây không phải là vùng đất được quy hoạch làm du lịch. Chợ Lách có những cánh đồng hoa cúc mâm xôi bạt ngàn. Hoa kiểng như bung ra từ đất, từ bàn tay hồn hậu của người nông dân vậy. Hoa không cần chăm sóc, cầu kỳ cắt tỉa mà cứ gieo trồng rồi tới ngày, tới tháng, tới độ Xuân về là bung nở. Cứ vậy từ hàng trăm năm qua, cứ như thể vùng đất này được dòng sông Tiền sinh ra, bồi đắp lên chỉ để trồng hoa kiểng vậy.