Bản tin y tế ngày 2/1: Số mắc Covid-19 giảm còn 52 ca
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 2/1 của Bộ Y tế cho biết, có 52 ca mắc Covid-19, bệnh nhân nặng cũng giảm còn 12 ca đang thở máy và oxy. Hôm nay tiếp tục không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.336 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.472 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 3 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.611.325 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 12 ca, trong đó:
Thở ô xy qua mặt nạ: 9 ca
Thở ô xy dòng cao HFNC: 1 ca
Thở máy không xâm lấn: 0 ca
Thở máy xâm lấn: 2 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Ngày 1/1 ghi nhận 0 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 1/1 có 1.207 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.518.865 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.219.335 liều: Mũi 1 là 71.080.937 liều; Mũi 2 là 68.692.111 liều; Mũi bổ sung là 14.492.826 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.670.652 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.282.809 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.861.779 liều: Mũi 1 là 9.127.071 liều; Mũi 2 là 8.955.907 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.778.801 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.437.751 liều: Mũi 1 là 10.242.144 liều; Mũi 2 là 8.195.607 liều.
Đốt than, củi sưởi ấm dẫn đến cái chết "thầm lặng"
Theo SKĐS, PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, việc cháy sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Người ngộ độc khói than sẽ từ từ rơi vào trạng thái vô thức rồi dẫn đến tử vong, đó là điều rất nguy hiểm dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm do dùng than sưởi trong phòng kín.
"Ngộ độc khí than là bệnh cảnh điển hình của thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy mọi hoạt động của con người, rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí than, các tế bào này sẽ tổn thương trước.
Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó "bất thường" cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. trường hợp ngộ độc nặng thường sẽ dẫn tới tử vong, trường hợp nhẹ sẽ gây nên nhưng tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, di chứng thần kinh, tâm thần gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO, sau khi hồi phục người bệnh thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh - tâm thần muộn, chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO.
Theo các chuyên gia, để phòng tránh ngộ độc, phải dùng than đúng cách. Không đốt than, củi trong nhà, phòng kín, trong lều, không cho động cơ xe máy, ôtô... nổ máy trong phòng kể cả khi mở cửa ...
Bên cạnh việc sưởi ấm bằng bếp than thì việc sưởi ấm bằng máy sưởi, quạt sưởi cũng có thể có nguy cơ gây nguy hiểm, bởi tia hồng ngoại mang nhiệt được toả ra từ các thiết bị này sẽ gây khô da, khô niêm mạc mũi và có thể gây bỏng, nếu không cẩn thận còn có thể gây hoả hoạn. Vì vậy, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm, người dân phải hết sức chú ý để đảm bảo an toàn.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có nguy hiểm không?
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cơ bản chia thành 2 loại: Gan nhiễm mỡ đơn thuần và Viêm gan do nhiễm mỡ. Đây là tình trạng bệnh lí riêng rẽ, không phải là hai giai đoạn của một bệnh.
Gan thoái hóa mỡ đơn thuần là tình trạng ứ mỡ trong gan nhưng không có tình trạng viêm hoặc viêm rất ít và không có phá hủy hay hoại tử tế bào gan.
Viêm gan thoái hóa mỡ: Gan ứ mỡ kèm theo tình trạng viêm gan, xâm nhiễm tế bào viêm và phá hủy tế bào gan. Viêm và phá hủy tế bào gan có thể dẫn đến xơ hóa, ung thư gan.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai gan thoái hóa mỡ không do rượu đang là vấn đề báo động trên toàn cầu hiện nay chứ không chỉ ở Việt Nam. Tổn thương gan thoái hóa mỡ không do rượu là một trạng thái bệnh lý chuyển hoá, trong đó sự thoái hóa mỡ có liên quan đến tổn thương viêm tế bào gan, viêm tiểu thùy gan, sự thay đổi cấu trúc và tăng sinh xơ trong gan. Cụ thể, các giọt mỡ lắng đọng trong tế bào gan lâu ngày chúng hủy hoại tế bào gan dẫn đến tăng sinh xơ và sau đó dẫn đến tình trạng xơ gan..
Cũng theo PGS. Hồng, ở người có rối loạn chuyển hóa mỡ, người thừa cân, béo phì bệnh nhân đái tháo đường type 2 thuộc nhóm nguy cơ cao bị tổn thương gan thoái hóa mỡ không do rượu. Đáng nói, gan thoái hóa mỡ không do rượu trên nhóm bệnh nhân béo phì mức độ nặng, tỷ lệ bệnh có thể lên đến 50%. Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 tổn thương gan thoái hóa mỡ không do rượu là một trong những nguyên nhân gây kháng insulin.
Những người ở độ tuổi trung niên, tuy không có thừa cân béo phì nhưng nếu có chế độ làm việc và sinh hoạt ít vận động không hợp lý với lối sống tĩnh tại cũng dễ bị gan thoái hóa mỡ không do rượu.
Gan thoái hóa mỡ không do rượu khi tiến triển lại không có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng trong nhiều năm, do vậy nhiều người không biết thậm chí chủ quan không kiểm tra và theo dõi định kỳ.
Để phòng bệnh với các đối tượng có nguy cơ cao, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng khuyến cáo: nên tập luyện thể dục thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại Ăn đủ chất xơ và các loại vitamin, cung cấp đầy đủ các nhóm chất đạm, đường, chất béo. Chất béo có nguồn gốc thực vật rất tốt như hạnh nhân, óc chó. Ăn ngũ cốc nguyên cám. Tăng cường rau xanh, hoa quả và uống nước đủ nước, đặc biệt là vận động thể thao. Tập luyện ăn uống làm sao để bạn giữ được chỉ số khối cơ thể BMI trong khoảng từ 18-23.