Gỡ nút thắt thủ tục hành chính

THANH GIANG 03/01/2023 07:22

TP HCM tiếp tục xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.

TPHCM nỗ lực thực hiện đơn giản hóa thủ tục ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Cải cách hành chính chưa đạt như kỳ vọng

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP HCM trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Thành phố từng có thời điểm đứng thứ 8 trong top 10 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cao, nhưng đến năm 2020 và 2021 chỉ được xếp thứ 14. TP HCM đang kém hấp dẫn so với nhiều địa phương khác về chỉ số cạnh tranh.

Chỉ ra những vướng mắc trong thủ tục để doanh nghiệp đầu tư nhà ở, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, cơ chế một cửa nhưng lại bị mất nhiều thời gian hơn, thậm chí bị “tắc” ngay tại cửa đầu tiên là chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. So với trước đây làm theo cơ chế nhiều cửa doanh nghiệp có thể đồng thời trực tiếp làm việc song song với từng sở - ngành, quận - huyện để được thẩm định nên có kết quả nhanh hơn hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) khẳng định: “Có hiện tượng “vẽ rắn thành rồng”. Đơn cử, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000, khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 (TP HCM) mất đến hơn 2 năm vẫn chưa có giấy phép. Trong khi đó, khu chế xuất Linh Trung 3 (tỉnh Tây Ninh) được giải quyết trong 2 tháng.

Dẫn chứng về việc tắc trong thủ tục hành chính, ông Bé cho biết, Nghị định 18 của Chính phủ về quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh và xuống tận Ban Quản lý khu công nghiệp. Điều này có vẻ như chế độ “một cửa” tại khu công nghiệp nhưng thực chất lại là 2 lớp giấy phép. Nghĩa là, phải có giấy phép con của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thì Ban quản lý khu công nghiệp mới được cấp giấy phép sau thẩm định.

Trong khi đó, ông Nakagawa Motohisa - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCH) kiêm Trưởng ban môi trường kinh doanh cho biết, qua quá trình làm việc với các sở - ngành TP HCM, nhiều vấn đề DN Nhật Bản kiến nghị đã được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đã và đang tiếp tục gỡ vướng từng phần, như vấn đề liên quan đến bảo hiểm, làm thêm giờ, giấy phép lao động.

Theo đánh giá của ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố thực hiện chủ đề năm 2022 là cải thiện môi trường đầu tư nhưng công tác phối hợp giữa các ngành, cấp nổi lên một số điểm nghẽn lớn, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. Cụ thể, sự phối hợp của các ngành chưa nhanh chóng và ăn ý nên công việc còn tồn đọng. Chậm trễ trong việc chấp hành, cụ thể hóa các chủ trương. Vì vậy, thời gian tới thành phố tiếp tục thực hiện công tác trên qua chủ đề năm 2023.

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư

Với vai trò là một thành phố trong thành phố, Thủ Đức tiếp nhận số lượng lớn thủ tục liên quan đến nhà đất. Nhằm khắc phục hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính này, ông Hoàng Tùng – Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, trong năm 2023, Thủ Đức sẽ rà soát, sắp xếp lại phương thức làm việc, phối hợp với công tác giải quyết hồ sơ hành chính nhà đất, dự kiến, năm 2023 phấn đầu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến, thay vì 82% dịch vụ công trực tuyến như hiện nay.

Chia sẻ với những khó khăn mà DN gặp phải trong thủ tục hành chính, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nhấn mạnh, bên cạnh việc áp dụng các chính sách của Trung ương, thành phố chủ động cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư. TP HCM đã giảm được 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày.

“Định kỳ hàng năm, thành phố đều có những diễn đàn trao đổi với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời” – ông Chánh cho biết.

Từ những gì đã đạt được trong năm 2022, TP HCM phấn đấu chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn thành phố năm 2023 cao hơn so với năm 2022 về xếp loại và xếp hạng. Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, TP HCM cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thành phố cũng cầu thị, lắng nghe các góp ý của chuyên gia, các tổ chức quốc tế cho sự phát triển của thành phố. Quan trọng hơn, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển và cam kết của mình, TP HCM mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp.

THANH GIANG