Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái tiếp tục kêu oan
Anh Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái tiếp tục kêu oan ngay sau khi Công an tỉnh Yên Bái có bản Kết luận điều tra bổ sung.
Mâu thuẫn chồng chéo?
Anh Đinh Tiến Hùng cho rằng, bản Kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ, vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” của Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Yên Bái (ban hành ngày 19/12/2022) vẫn có tính chất buộc tội anh khi không có căn cứ khách quan, không làm rõ những nội dung anh đã nhiều lần khiếu nại, và có nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý.
Theo các Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho anh Đinh Tiến Hùng, bản Kết luận điều tra bổ sung lần này vẫn không nêu được căn cứ xác định anh Đinh Tiến Hùng đã “lo cơ chế, lo quan hệ” như thế nào cho các bị can trong vụ khai thác chì kẽm ở mỏ Núi Ngàng (xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, Yên Bái).
Cụ thể, bản Kết luận không cho thấy anh Đinh Tiến Hùng đi lo quan hệ gì, bằng cách gì, cơ chế ra sao, quan hệ với ai, ở đâu, ở tổ chức nào, có biếu xén gì không, và mục đích của quan hệ này? Và đặc biệt không cho thấy các mối quan hệ đó có tác động ra sao để các bị can được khai thác trái phép tài nguyên?
Đáng chú ý, bản Kết luận điều tra bổ sung mới đây ghi: "Cơ quan điều tra đã thu giữ được dữ liệu điện tử là 57 tin nhắn, file ghi âm và các tin nhắn văn bản", nhưng anh Đinh Tiến Hùng cho biết, quá trình làm việc (hỏi cung bị can) ngày 8/12/2022, điều tra viên không cho biết những dữ liệu điện tử này được khôi phục, kiểm tra, trích xuất từ đâu, thu giữ như thế nào, tại sao lại có những dữ liệu đó?
Theo anh Đinh Tiến Hùng, anh ngạc nhiên khi thấy những tin nhắn lạ. Hơn thế, nhiều tin nhắn không có dấu thanh, không đúng ngữ pháp, không rõ bản chất câu văn và hoàn toàn không liên quan vụ núi Ngàng.
"Không chứng minh được vai trò của anh Đinh Tiến Hùng là thế nào, liên quan đến ai trong nhóm khai thác quặng trái phép ở núi Ngàng"- Luật sư Đỗ Như Thành (đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định.
Sau khi nộp bản ghi âm, kết luận điều tra mâu thuẫn lời khai của 'Hùng Lùn Hà Nội'
Kết luận điều tra cho biết, cuối tháng 11/2022, đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng (tức Hùng Lùn, đến từ Hà Nội, bị can vụ án) giao nộp một chiếc USB chứa file ghi âm giữa anh ta và Nguyễn Trọng Tuấn, việc ghi âm được thực hiện ngày 23/7/2021" (tức hơn 7 tháng sau khi vụ án xảy ra mới được ghi âm, và 16 tháng sau mới giao nộp bản ghi âm).
Ghi âm có nội dung "Hùng đề nghị Tuấn đại diện cho Cty TNHH Tuyên Huy và cho Hùng để tìm cách giải quyết vụ án; phân chia lợi nhuận trong khai thác trái phép khoáng sản ở mỏ núi Ngàng của Cty Tuyên Huy; bên Tuấn được hưởng 2 phần, Đinh Tiến Hùng được hưởng 1 phần…".
Luật sư Hoàng Trọng Hồng (Đoàn LS Yên Bái, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Đinh Tiến Hùng) cho rằng, nội dung bản ghi âm không phù hợp thực tế, bởi đống quặng đã bị thu giữ trước đó nhiều tháng, vụ án cũng đã bị khởi tố từ lâu thì còn tài sản gì nữa khi khối lượng quặng khai thác đang bị cơ quan chức năng thu giữ, giờ các bị can trong vụ án lại bàn việc “ăn chia” cái gì? Bản Kết luận cũng không nêu ra tại sao các đối tượng lại thực hiện bản ghi âm, lưu giữ bản ghi âm này làm gì, và tại sao lại tự giác giao nộp cho Cơ quan điều tra?
Luật sư Hồng còn chỉ ra mâu thuẫn khi Kết luận bổ sung nêu: "Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đứng ra giúp về việc tìm người đưa lên mỏ núi Ngàng để khai thác quặng”, chứ không được ăn chia lợi nhuận gì? Còn bản Kết luận trước đó lại nêu: “Sau khi bán được quặng thì tính toán trừ chi phí, quan hệ, chi phí sản xuất, Đinh Tiến Hùng sẽ lấy 1/3 lợi nhuận, 2/3 lợi nhuận còn lại là của Cty Tuyên Huy và Nguyễn Mạnh Hùng". "Như vậy có bất nhất và vô lý không? Bản kết luận nào là đáng tin cậy?", Luật sư đặt câu hỏi. Và chính Kết luận điều tra nói Nguyễn Mạnh Hùng là người đứng ra chi trả tiền điện, tiền công và các loại chi phí khác hết hơn 200 triệu đồng, vậy thì anh ta tại sao lại không được hưởng lợi nhuận? Và lúc hưởng 2/3 cùng Tuyên Huy, lúc lại không được hưởng gì?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn LS Hà Nội cho rằng, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Yên Bái đã thể hiện một bản kết luận "trọng cung hơn trọng chứng" và mâu thuẫn. Đó là bản Kết luận điều tra cho rằng, "Đinh Tiến Hùng đã góp vốn mua nhà máy tuyển quặng chì, kẽm của Nguyễn Văn Hậu” với giá 2,1 tỷ đồng, trong đó Đinh Tiến Hùng đã chuyển khoản 200 triệu đồng cho Nguyễn Trọng Tuấn. Sau đó Nguyễn Trọng Tuấn hứa mua giúp quặng cho Nguyễn Mạnh Hùng để vận hành nhà máy, nhưng không mua được, nên nhà máy không hoạt động”.
Luật sư Hùng đặt những nghi vấn, tại sao nhà máy 2,1 tỷ đồng mà anh Đinh Tiến Hùng chỉ phải trả 200 triệu đồng? Tại sao mua nhà máy của Nguyễn Văn Hậu mà Đinh Tiến Hùng lại trả tiền cho Nguyễn Trọng Tuấn? Cơ quan điều tra nhầm trong kết luận, hay anh Đinh Tiến Hùng vô ý trả tiền nhầm cho người khác? Và đặc biệt là chuyện này có gì liên quan gì đến vụ núi Ngàng?
Cũng bản Kết luận này, cho rằng Đinh Tiến Hùng cùng một số đối tượng "cùng góp tiền để làm vốn đối ứng” cho Nguyễn Trọng Tuấn vay 10 tỷ đồng trong thời hạn 1 năm, trong đó Đinh Tiến Hùng đã chuyển khoản cho Nguyễn Trọng Tuấn vay 3,2 tỷ đồng.
Anh Đinh Tiến Hùng đã khẳng định với Cơ quan điều tra rằng: Số tiền 3,2 tỷ đồng và 200 triệu đồng nói trên là do anh chuyển giúp Nguyễn Mạnh Hùng đến Nguyễn Trọng Tuấn, đã rõ căn cứ chứng minh, chứ anh không góp vốn, không liên quan gì mục đích số tiền này, không liên quan gì đến việc anh “được” kết luận là khai thác trái phép tài nguyên.
“Những từ ngữ “cho vay”, “chuyển giúp”, “góp vốn”, "đối ứng" đang có sự nhầm lẫn và mập mờ nội dung, có nguy cơ dẫn đến oan sai” - Luật sư bảo vệ của anh Đinh Tiến Hùng nói. Và nữa, số tiền 10 tỷ đồng đó cũng không có bất kỳ chi tiết nào trong Kết luận điều tra cho thấy đã được chi phí thế nào, mua sắm vật tư, trang trải ra sao, có hóa đơn mua bán gì không...
Bản Kết luận điều tra bổ sung cho rằng Đinh Tiến Hùng đã "trách nhiệm, quan tâm sát sao" vụ Núi Ngàng thể hiện qua tin nhắn đóng nộp tiền điện (khoảng 1,6 triệu đồng). Điều này đã được anh Đinh Tiến Hùng giải thích và chứng minh rõ là anh đã chuyển tiếp tin nhắn đóng tiền điện của Nguyễn Trọng Tuấn cho Lăng Đức Hân. Và chính đối tượng Lăng Đức Hân (vụ sử dụng thuốc nổ khai thác Núi Ngàng) đã khai nhận mọi chi phí khai thác vụ Núi Ngàng đều do Hân chịu trách nhiệm. Tức là anh Đinh Tiến Hùng không liên quan gì vụ khai thác trái phép tài nguyên, nhưng Cơ quan điều tra vẫn không xác minh rõ, làm rõ điều này.
[Xung quanh một bản kết luận điều tra ở Yên Bái – Bài 2: Có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp?]
[Vụ án Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái kêu oan: Trả hồ sơ về Cơ quan điều tra lần 2]
[Ban Nội chính Trung ương vào cuộc vụ án 'Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái kêu oan']
Tiềm ẩn nguy cơ án oan
Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn (Giám đốc và Phó giám đốc Cty Tuyên Huy) có tin nhắn chia nhau "Đinh Tiến Hùng có thể giúp giải quyết vướng mắc thủ tục xin cấp phép của mỏ núi Ngàng liên quan đến Sở VHTT và DL tỉnh Yên Bái”, Kết luận điều tra nêu thêm, và thể hiện "Cty Tuyên Huy đang gặp khó khăn về tài chính, vướng mắc về thủ tục xin cấp giấy phép khai thác chì kẽm tại mỏ núi Ngàng"… Kết luận có nội dung: “Ngày 18/10/2020 Tuấn hẹn Hậu về TP Yên Bái gặp Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm, để bàn bạc thống nhất việc hợp tác khai thác quặng tại mỏ núi Ngàng… Hậu và Tuấn mong đợi vào sự che chắn, giúp đỡ của Đinh Tiến Hùng với việc khai thác quặng tại mỏ núi Ngàng".
“Như vậy Tuấn và Hậu đã có dấu hiệu lợi dụng vào "vía quan hệ" của Đinh Tiến Hùng nhằm khai thông việc trộm quặng và cũng nhằm huy động vốn?” Luật sư Thành nêu quan điểm. Và nữa, "đổ vấy" cho Đinh Tiến Hùng cũng nhằm cho hai đối tượng này được nhẹ tội?
Anh Đinh Tiến Hùng hoàn toàn phủ nhận những cáo buộc tội của Cơ quan điều tra. Các Luật sư đánh giá và phân tích 3 lần Kết luận điều tra của Công an tỉnh Yên Bái về vụ án án này có nhiều mâu thuẫn, thiếu căn cứ, không phù hợp khách quan. Để tránh hậu quả pháp lý oan sai khi không chứng minh được vai trò của Đinh Tiến Hùng trong vụ án, các Luật sư cho rằng, Cơ quan tố tụng cần thực sự công tâm, khách quan, cụ thể, rõ ràng hơn khi xem xét truy tố, xử lý.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn LS Hà Nội cho rằng, bản điều tra bổ sung vừa qua vẫn không có chi tiết, chứng cứ khách quan nào khác phù hợp, rất dễ dẫn đến vi phạm các Điều 13 (suy đoán vô tội, Điều 15 (xác định sự thật vụ án), Điều 19 (tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra, Điều 68 (chứng cứ), Điều 87 (nguồn của chứng cứ), Điều 108 (kiểm tra, đánh giá chứng cứ) của Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.
Luật sư Hùng khẳng định, chưa thể lấy gì đảm bảo những lời khai của Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn tại quán cà phê là chứng cứ trực tiếp. Và bản Kết luận điều tra bổ sung (số 01/BKL-ANĐT ngày 24/8/2022) vẫn thiếu căn cứ buộc tội bị can Đinh Tiến Hùng cho dù thời gian điều tra đã kéo dài (gần 2 năm), thậm chí đã có những cuộc họp liên ngành nội chính ở Yên Bái nêu quan điểm phải làm rõ nhiều nội dung, trong đó có trường hợp Đinh Tiến Hùng.
Còn theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân: “Để đề nghị truy tố một cán bộ mà chỉ căn cứ lời khai của người “làm chứng”, ngoài ra không có một chứng cứ vật chất hoặc thể hiện chứng cứ khách quan nào. Nếu khởi tố, truy tố, xét xử bằng lời khai,… thì vô cùng nguy hiểm, ai cũng có thể bị, nếu như chỉ cần tập hợp 1 số người dàn dựng kịch bản vu khống vụ việc và được khai thống nhất”.
Thông tin kết quả giải quyết đến Ban Nội chính Trung ương
Ngày 22/11/2022, Ban Nội chính Trung ương có văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái nêu rõ: Ban Nội chính Trung ương nhận được đơn kêu oan của ông Đinh Tiến Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Yên Bái, là bị can trong vụ án vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên do Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái điều tra, ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái truy tố.
Theo nội dung đơn: Kiến nghị Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 03/KLĐT-ANĐT ngày 4/5/2022 và Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự số 01/BKL-ANĐT, ngày 24/8/2022 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái là không có căn cứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tự do cá nhân, uy tín, danh dự bản thân, của gia đình; đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng điều tra lại vụ án, trả lại sự công bằng cho ông Đinh Tiến Hùng.
Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Ban Nội chính Trung ương chuyển đơn trên đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và gửi thông tin kết quả giải quyết đến Ban Nội chính Trung ương.
Cần làm rõ nhiều vấn đề
Nhìn nhận về những bản Kết luận điều tra này, trao đổi với phóng viên một nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho rằng những nội dung buộc tội bị can Đinh Tiến Hùng chưa đảm bảo "điều kiện đủ".
Cụ thể, theo vị này Kết luận điều tra cho rằng Đinh Tiến Hùng có vai trò ‘người tổ chức, vậy với tội tổ chức để khai thác khoáng sản trái phép, thì bây giờ phải nói rõ các điều kiện được gọi là “người tổ chức được khai thác”. Tổ chức có nghĩa là phải triển khai, bàn bạc với nhau về sắp tới tôi sẽ làm cái này, hợp tác với nhau chúng ta sẽ làm... Rồi phân công nhau trong các công việc, rồi lên cái kế hoạch…
“Còn ở đây một cuộc gặp đầu tiên vài chục phút ở quán cafe Đồng Tâm cần phải làm rõ thêm nhiều bởi vì nếu như thế thì nó chưa gọi là tổ chức bởi vì đây là gặp lần đầu tiên, thì mới có thể là thông tin với nhau về một cái việc gì đấy. Tôi đọc các Kết luận thì nó cũng chưa có phân công, chưa có "bày binh bố trận". Trước hết là chưa có một cái kế hoạch để "dàn trận chiến đấu". Có nghĩa là mình chưa thể nói đó là “tổ chức” được mà chỉ là đang “thăm dò, hỏi thăm” - vị này nói.
Cũng theo vị nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao này, để đủ căn cứ kết luận điều tra khách quan cần chứng minh được:
Thứ nhất là cùng ý chí: Là có một nguyện vọng ý chí chung nhau sắp tới, ở đây có cái mỏ như thế bây giờ tôi khai thác, rồi là phân công nhau, tôi làm cái gì? Ông làm cái gì? Thời gian ra làm sao? kế hoạch như thế nào? Bao giờ ta gặp gỡ nhau? Về suy nghĩ đi bao giờ ta gặp gỡ nhau ta bàn lại?... những cái này tôi chưa thấy được làm rõ, cần yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, nếu cần thiết điều tra lại.
Thứ hai là cùng nhau xác định mục tiêu: Là trong vụ việc này, để đạt được cái mục tiêu ấy phải có được cái nội dung hoạt động thế nào? Và để đạt được cái nội dung hoạt động như thế phải có các phương thức hoạt động thế nào? Và cái cuối cùng là phân công nhau hoạt động để đạt được mục tiêu, thì đó mới là tổ chức.
"Theo tôi đánh giá thì cái đánh giá Kết luận điều tra nó hơi đơn giản, nó nêu ra được vấn đề nó chưa thể hiện được chi tiết những cái muốn chứng minh cho cái nội dung mà muốn nhắm đến là bị can Đinh Tiến Hùng là người mang vai trò tổ chức. Phải có một bản kết luận điều tra đầy đủ, khách quan. Bởi sau đó, bên Viện KSND tỉnh sẽ làm căn cứ đánh giá, thảo luận. Sau đó, có thể có những cái mà chưa rõ Viện KSND tỉnh còn phải xin ý kiến cấp trên, hoặc là trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan với nhau", nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho hay .
Khi nhận được Kết luận điều tra, Viện KSND sẽ nghiên cứu, ở vụ án này Viện KSND Yên Bái đã 2 lần trả hồ sơ và yêu cầu điều tra lại, bổ sung chứng cứ, tài liệu. Tôi thấy Viện Kiểm sát họ làm rất có trách nhiệm bởi đã nhìn nhận ra vụ án chưa đủ căn cứ.
Theo vị Nguyên lãnh đạo Viện KSND tối cao này, ở vụ án cần tuân thủ nghiêm ngặt Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Có thể nhìn nhận các vụ án theo Nguyên tắc suy đoán vô tội đơn giản như:
Thằng ăn cắp ngày xưa, ta hay bảo “không mày vào đấy thì ai”, nhưng thế có nghĩa là ta hơi cố cưỡng là không nên. Như câu chuyện tôi hay nói với sinh viên ngành điều tra, biết là một cái thằng rõ ràng nó là ăn trộm con gà nhà mình, rõ là nó luộc cái đùi gà nó ăn nhem nhem trước mặt mình, mà không làm sao buộc tội được nó, vì không đủ chứng cứ, nhân chứng, vật chứng...
Theo tôi thấy, kết luận điều tra đây mới có một cuộc trao đổi chóng vánh nên rất băn khoăn vụ án. Việc khởi tối một con người quan trọng lắm, sinh mệnh chính trị quan trọng lắm, không đùa được đâu!
Để tìm hiểu thông tin khách quan về vụ việc, đầu tháng 10/2022, phóng viên Báo Đại Đoàn kết liên hệ công tác với Cơ quan Công an tỉnh Yên Bái, Viện KSND tỉnh Yên Bái. Sau đó, ngày 20/10/2022 ông Hà Quốc Đoàn, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh Yên Bái cho biết hồ sơ vụ án Lăng Đức Hân tiếp tục được trả về Cơ quan điều tra. Như vậy vụ án đã trải qua gần hai năm thực hiện điều tra và đề nghị truy tố, hai lần trả hồ sơ, nhưng vẫn chưa ra được bản cáo trạng. Trước câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân 2 lần trả hồ sơ vụ án là gì? Những yêu cầu bổ sung hồ sơ vụ án của Viện KSND với Công an tỉnh Yên Bái? Ông Đoàn cho rằng phóng viên làm việc với Công an để được cung cấp thông tin khách quan.
Tuy nhiên đến nay gần 3 tháng, Báo Đại Đoàn Kết vẫn chưa được Công an tỉnh Yên Bái 'sắp xếp' lịch làm việc, cung cấp thông tin về vụ việc.