Nhận diện tồn tại của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở Hà Tĩnh - Bài cuối: Giải pháp tháo gỡ bất cập
Không chỉ nhận diện các tồn tại, hạn chế đang diễn ra trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh còn chỉ ra nguyên nhân. Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục các cấp của địa phương để Chương trình giáo dục mới phát huy hiệu quả.
Nhìn nhận đúng nguyên nhân
Chương trình Giáo dục GDPT 2018 yêu cầu đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp dạy và học, cần nguồn lực đầu tư lớn. Trong khi đó, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng vào thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn giáo viên, tổ chức dạy học; các hoạt động giáo dục, trải nghiệm; công tác thanh tra, kiểm tra.
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho hay, tại một số địa phương của tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền dành cho giáo dục - đào tạo có lúc, có lĩnh vực chưa đúng mức so với yêu cầu giai đoạn hiện nay. Trong chỉ đạo, điều hành chưa linh hoạt, chủ động, có lĩnh vực chưa đồng bộ, kịp thời. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường đầu tư kinh phí còn dàn trải. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế, việc phân bổ kinh phí hàng năm cho giáo dục còn bất cập. Cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quá trình giám sát nhận thấy, một số địa phương do không có nguồn để tuyển nên không tuyển dụng đủ chỉ tiêu giáo viên được HĐND tỉnh phân bổ. Một số địa phương có nguồn để tuyển nhưng việc giao chỉ tiêu biên chế giáo viên của Sở Nội vụ chưa thực hiện như chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh. Đơn cử huyện tại Đức Thọ, HĐND tỉnh giao 17 chỉ tiêu nhưng Sở Nội vụ chỉ cho tuyển 11 chỉ tiêu, nên trong quá trình tuyển dụng, địa phương gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Hà, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh, huyện chưa được tiến hành thường xuyên nên chưa kịp thời tư vấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục khắc phục một số khó khăn trong tổ chức dạy học. Có thời điểm việc tham mưu của ngành Giáo dục chưa kịp thời, hiệu quả, sự phối hợp với các sở, ngành chưa chặt chẽ nên một số nội dung thực hiện còn chậm, như việc mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học, tài khoản LMS bồi dưỡng giáo viên…
Cần các quyết sách mạnh mẽ
Từ chỗ nhận diện ra các bất cập, hạn chế của Chương trình GDPT 2018 ở Hà Tĩnh, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu và có các chính sách để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Có phương án về quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp đặc biệt trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng ổn định lâu dài. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ linh hoạt trong việc tinh giản 10% biên chế của ngành Giáo dục hàng năm trong điều kiện quy mô trường lớp tăng nhanh, thiếu giáo viên trầm trọng dẫn đến tình trạng có trường, có lớp mà không có giáo viên để dạy hoặc dạy chéo môn.
MTTQ Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu sửa đổi quy định về định mức giáo viên tiểu học được quy định tại Khoản 3, Điều 6, Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDPT công lập để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Sửa đổi từ quy định tối đa 1,5 giáo viên/lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp, vì thực tế để tổ chức được hết các hoạt động dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cần phải bố trí 1,56 giáo viên/lớp.
“Hiện nay, các giáo viên chỉ được đào tạo để dạy đơn môn nên việc bố trí giảng dạy đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý gặp nhiều khó khăn, đề nghị Bộ GDĐT có giải pháp kịp thời, đồng bộ, hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp, hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên thay đổi, bổ sung các mã ngành đào đạo cho tương thích với Chương trình GDPT 2018. Chỉ đạo các nhà xuất bản triển khai bản mẫu sách giáo khoa mới đến với giáo viên sớm và đầy đủ hơn” - báo cáo của Đoàn giám sát nhấn mạnh.
Thực hiện đồng bộ
Để Chương trình GDPT 2018 đạt được như kỳ vọng, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời rà soát hoàn thiện Đề án xây dựng mạng lưới trường lớp, có tầm nhìn chiến lược, để có đầu tư trọng tâm, trọng điểm; có giải pháp phù hợp, từng bước khắc phục tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo mức tối thiểu để các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả.
Mặt khác, đối với các trường nằm trong vùng quy hoạch các dự án (thị xã Kỳ Anh), kịp thời có phương án hỗ trợ các nhà trường sớm ổn định trường lớp, tập trung cho công tác dạy - học. Khắc phục quy hoạch treo dẫn đến không đầu tư cho hệ thống trường học, ảnh hưởng rất lớn tới việc dạy và học, gây thiệt thòi cho học sinh.
Trước tình trạng thừa - thiếu giáo viên, Mặt trận Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh có chiến lược, giải pháp để phát triển đội ngũ giáo viên các cấp, đặc biệt là cấp tiểu học theo từng giai đoạn, từng năm học, tránh việc thiếu giáo viên nhưng không được tuyển dụng kịp thời, trong khi sinh viên ra trường không có việc làm hoặc khi có chỉ tiêu tuyển dụng thì không đủ nguồn để tuyển dụng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan thực hiện việc giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các địa phương như Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành. Đồng thời khi giao chỉ tiêu biên chế giáo viên, giao theo giai đoạn để các địa phương chủ động trong khâu tuyển dụng phù hợp với tình hình biến động quy mô trường lớp hàng năm…
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, Bộ GDĐT sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018.