Tự chủ đại học: Thách thức vẫn lớn
Hiện cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học (ĐH) đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại Luật Giáo dục ĐH. 91 trường chưa đủ điều kiện tự chủ, trong đó có cả những trường thuộc danh sách được thí điểm tự chủ.
Chia sẻ về bức tranh giáo dục ĐH 2022, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số vấn đề hạn chế cần sớm được cải thiện. Theo đó, việc thực hiện tự chủ ĐH theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu.
Hiện 91/232 trường ĐH vẫn không đủ điều kiện tự chủ. Cụ thể, số trường chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH chiếm 18,53%. Có 7,5% chưa thành lập hội đồng trường. Một số trường chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định. Ngoài ra, trong số 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, đến nay có 3 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH hiện hành với lý do các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập hội đồng trường nhưng chưa được phê duyệt.
Theo bà Thủy, vướng mắc hiện nay ở các cơ sở chưa thực hiện được tự chủ là do nhận thức về tự chủ ĐH chưa đầy đủ, năng lực quản trị ĐH nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Nhìn từ phía người học, việc các trường ĐH chưa thực hiện tự chủ có một điểm mừng đó là chưa… tăng học phí. Thống kê từ đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường ĐH tăng từ 30% - 70%. Theo Nghị định mới của Chính phủ về học phí, các trường ĐH tự chủ được phép thu tối đa gấp 2-2,5 lần trường chưa tự chủ. Khi gánh nặng học phí bị đẩy về phía người học, nhiều ý kiến lo ngại về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của người dân nghèo sẽ bị hạn chế hơn.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà nước chi cho giáo dục ĐH chỉ từ 0,25%-0,27% GDP. Hàng năm, nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5%-15% chi thường xuyên. Trong khi đó, đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường đến từ học phí với tỷ lệ 70%-80%.
Rõ ràng, muốn nâng cao chất lượng đào tạo cần tính đủ chi phí. Song nếu chỉ căn cứ trên số lượng sinh viên thì hoặc học phí sẽ tăng rất cao hoặc phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết đó là cần tăng cường thu hút nguồn lực cho giáo dục ĐH.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường cần có các giải pháp đa dạng hóa nguồn thu. Đồng thời để tránh gây sốc cho người dân, việc tăng học phí phải có lộ trình.
“Cần hiểu đúng về tự chủ đại học, không xem tự chủ nghĩa là trường đại học tự lo về tài chính để hệ quả là các trường chỉ còn cách tăng thu học phí” - PGS. TS Trần Xuân Nhĩ.