Sửa luật sẽ giảm khiếu kiện
Theo Nghị quyết 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1, kết thúc vào ngày 15/3/2023. Theo đó, 3 hình thức lấy ý kiến gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.
Đáng chú ý, nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.
Đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện nhất mà cũng là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ án tham nhũng nhất. Về khiếu kiện, điển hình là vụ Thủ Thiêm (TPHCM) đã kéo dài hơn 20 năm. Về tham nhũng, chỉ riêng trong năm 2022, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam nhiều bị can trong các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… mà về căn bản sai phạm vẫn thuộc về đất đai, bất động sản.
Tại phiên họp ngày 13/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo của công dân, ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, nội dung đơn khiếu nại vẫn chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm tỷ lệ 64,6%. Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thì cơ cấu lĩnh vực khiếu nại cơ bản không nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai.
“Điều này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan thời gian qua chưa hiệu quả, chưa tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai” - ông Tùng nói.
Sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết, được đặt ra từ lâu và cân nhắc rất nhiều. Trên thực tế, việc sửa đổi Luật Đất đai phù hợp thực tiễn sẽ là giải pháp căn cơ để giảm khiếu kiện phức tạp về đất đai.
Còn nhớ vào hồi cuối tháng 7 năm 2019, một thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà bộ này nhận được hàng năm vẫn rất nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm 98%). Lui lại 4 năm trước, con số được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cho biết, thống kê trên địa bàn cả nước khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm gần 70% số đơn khiếu nại, tố cáo.
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những điểm bất cập, nhất là các quy định về đất đai và một số quy định về nhà ở, về khiếu nại, tố cáo… Kể cả việc quy định pháp luật - ở đây là Luật Đất đai năm 2013. Ví dụ như “tranh chấp đất đai” hay “tranh chấp về đất đai” cũng không phải ai cũng hiểu đúng do khái niệm này không thực sự rõ ràng.
Hầu hết các vụ tranh chấp đất đai thường phức tạp và kéo dài. Và cũng không nhiều người hiểu thủ tục khi muốn khiếu kiện. Đó là, trước tiên, theo Điều 202 của Luật Đất đai (hiện hành) bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở, ủy ban cấp xã; thời gian giải quyết không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, hầu hết các vụ khiếu kiện đã không qua bước này.
Còn đối với thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, thời hạn để kiểm tra hồ sơ không quá 3 ngày làm việc; Thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Nếu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, giống với thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, thời hạn giải quyết không quá 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Còn đối với giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Đó là chưa kể đến tốn kém khi kiện tụng. Quy định của pháp luật, ví dụ từ trên 4 tỷ đồng, mức án phí là 120 triệu đồng cộng với 0,1% của phần giá trị vượt lên 4 tỷ đồng. Có những vụ tranh chấp đến cả nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tỷ đồng thì cứ nhân với 0,1% để ra án phí, sẽ là con số khổng lồ.
Như vậy có thể thấy một vụ khởi kiện tranh chấp đất đai không hề đơn giản, với nhiều thủ tục pháp luật cũng như kéo dài, tốn kém.
Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được xem là dịp để người dân đóng góp ý kiến; để quy định pháp luật về đất đai sớm được hoàn thiện.