Lãi suất khó đi ngược dòng chảy chung

H.Hương 04/01/2023 07:39

Theo nhận định của TS Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, nên lãi suất ở trong nước khó đi ngược “dòng chảy” chung của thế giới.

Lãi suất khó có thể giảm trong năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều thách thức

Ông Quang nêu rõ, năm 2023, kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Tuy mức độ và tác động do Fed tăng lãi suất không còn dữ dội như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế vẫn dai dẳng trong năm 2023. Vì thế, theo quan điểm của Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung, nên việc giảm lãi suất thời gian tới là một nỗ lực rất lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. NHNN sẽ sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tín dụng một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế phục hồi và bảo đảm an toàn hệ thống.

Trong khi đó, nhận định về thách thức chính sách điều hành năm 2023, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, với khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất, áp lực lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn còn khá lớn. Trong khi đó, dư địa điều hành chính sách tiền tệ giảm dần do các công cụ đã được NHNN sử dụng gần hết, đặc biệt lãi suất điều hành đã tăng 2 lần với mức độ lớn. Ngoài ra, thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào, hệ số an toàn vốn (CAR) mỏng và nợ xấu có nguy cơ tăng cũng là những thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay.

Giảm lãi suất phải là trọng tâm chính sách tiền tệ năm 2023

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho biết, DN luôn trong tình trạng cần vốn ngân hàng nhưng rất khó tiếp cận. Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, với những DN hoạt động có hiệu quả, những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường cần được khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ tiếp cận vốn thực hiện dự án, điều này sẽ giúp thị trường bước đầu đỡ khó khăn.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho rằng các DN bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao nếu không có sự điều chỉnh bằng chính sách vĩ mô, năm 2023, DN sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức, từ đó tạo ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế. “Cần tạo điều kiện cho những DN hoạt động có hiệu quả, làm thật được tiếp cận nguồn vốn” – ông Đính nói.

Từ trước đến nay, giảm lãi suất và được tiếp cận tín dụng ngân hàng vẫn luôn là mong mỏi của cộng đồng DN.

Nhóm nghiên cứu của ngân hàng HSBC nhận định, năm 2023, Fed nhiều khả năng giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất làm áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tăng càng chứng minh chu kỳ tăng lãi suất của NHNN vẫn đang trên đà tiếp diễn. Vì thế, HSBC dự báo, NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.

Còn các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quý II/2023 và sẽ giảm bớt đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn. Bởi vậy VNDirect nhận định, NHNN có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.

Giới chuyên gia đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III trở đi với hiệu ứng của việc triển khai nguồn vốn đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Nhờ đó, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

H.Hương