Giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông gặp khó khăn, kéo dài
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo đánh giá yếu tố cản trở là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, về thiết bị điều động từ nơi xa đến nên mọi thứ không chủ động được.
Theo Dân Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho biết, đến đêm 3/1, việc rút cọc bê tông lên khỏi mặt đất vẫn chưa thực hiện được như tiến độ dự tính.
Trong quá trình thực hiện giải cứu bé trai 10 tuổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho rằng, các đơn vị thi công, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, do thiết bị, máy móc chuyển từ nơi khác đến; phần đất sâu sét, cứng,… dẫn đến thời gian giải cứu bé trai bị kéo dài.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cũng đánh giá yếu tố cản trở là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, về thiết bị điều động từ nơi xa đến nên mọi thứ không chủ động được.
Theo ghi nhận của Dân trí, hiện trường nơi xảy ra sự việc cách đường dân sinh khoảng 500 m (đường ven kênh An Phong - Mỹ Hòa, ấp 2, xã Phú Lợi). Con đường chính dẫn vào nơi xảy ra vụ việc toàn đất đá nham nhở, độ rộng mặt đường hẹp và bên bồi bên lở có nguy cơ sụt lún nếu phương tiện trọng tải nặng đi qua, khiến xe chuyên dụng không thể tiếp cận.
Vì thế, các thiết bị chuyên dụng được vận chuyển thay thế bằng nhân lực khiêng vác, xe máy, ghe ven mương. Thêm vào đó, tại tuyến đường thủy vào hiện trường là kênh Rọc Sen, có luồng thủy hẹp và cạn nên sà lan và tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải phát quang cỏ cây hai bên mới có không gian cho tàu thuyền ra vào hiện trường thuận tiện. Do đó, công đoạn di chuyển bị kéo dài thời gian.
Đến đêm 3/1, các đơn vị thi công vẫn tập trung thực hiện phương án mới bằng các biện pháp kỹ thuật đưa ống thép sâu xuống lòng đất, bao quanh trụ bê tông bé trai lọt vào.
Trao đổi với phóng viên lúc 17h ngày 3/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, hiện tại phương pháp dùng máy khoan guồng xoắn vẫn được ưu tiên để làm tơi rã các phần đất xung quanh trụ bê tông. Hiện mũi khoan đã đạt độ sâu 23/35m.
Theo ông Bửu, khi khoan tới độ sâu 27m, lực lượng cứu hộ sẽ dùng các dây cáp cột vào 3 đoạn ống trụ bê tông, sau đó cân bằng lực, kéo trụ - nơi bé trai đang mắc kẹt lên mặt đất. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý công tác giải cứu, đưa bé ra khỏi ống trụ bê tông. Công tác này do lực lượng công binh Quân khu 9 đảm nhận.
Sáng 3/1, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 đã khảo sát, kiểm tra công tác cứu hộ, đồng thời đánh giá hiện trường có địa hình phức tạp nên buộc phải huy động nhiều lực lượng và thiết bị chuyên dụng.
Tướng Triều cho biết, sau khi nhận thông tin bé trai bị rơi xuống hố, quân khu đã chỉ đạo cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp sử dụng lực lượng tại chỗ gồm bộ đội và dân quân tự vệ hỗ trợ tức thì.
Đồng thời, đơn vị cũng chỉ đạo lực lượng công binh quân khu sử dụng nhân lực và phương tiện cứu hộ cứu nạn, gồm xe cứu hộ cứu nạn đa năng, thiết bị cắt bê tông chuyên dụng kịp thời đến hiện trường để tham gia hỗ trợ cùng lực lượng địa phương.
Ban đầu, công tác cứu hộ do người thân bé trai, người dân và lực lượng công an địa phương (xã Phú Lợi và huyện Thanh Bình) thực hiện. Công nhân tại công trình và cha của bé trai là những người lớn có mặt đầu tiên và sau đó là lực lượng chức năng, đã thả dây xuống hố để bé trai có thể bám vào và kéo lên.
Tuy nhiên, Trung tá Trần Văn Giỏi, Đội phó Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cho hay, phương án này không khả thi vì tiết diện cọc bê tông quá nhỏ, nạn nhân không thể xoay xở để luồn dây vào người cho phía trên kéo lên.
Lãnh đạo địa phương đánh giá đây là sự cố hy hữu, do nhân lực có mặt tại hiện trường thiếu kinh nghiệm nên việc giải cứu lúc đầu chỉ dừng lại ở bơm oxy xuống hố, mượn camera dò tìm nạn nhân và đợi đơn vị cứu nạn chuyên nghiệp tiếp cận.
Theo tư vấn của các chuyên gia, có thể đưa thiết bị bơm xoáy bằng áp lực nước đối với lớp đất ở tầng dưới để đất tơi rã, sau đó dùng máy hút đưa lượng đất này ra khỏi ống thép, nhằm rút ngắn thời gian kéo trụ bê tông lên mặt đất.
Theo phương án mới, một lồng thép rộng 1,5m, dài 19m được đóng từ trên xuống, bao bọc phía ngoài cọc bê tông. Tiếp đó, nhân viên cứu hộ dùng thiết bị bơm nước xử lý hết bùn đất phía trong ống cọc, để có thể nhấc cọc bê tông ra khỏi vị trí bé trai gặp nạn.
Tính đến 23h ngày 3/1, lực lượng cứu nạn đang bố trí mặt bằng để để đặt hệ thống bơm phụt bằng tia nước áp lực cao.
Nói về tình trạng bé trai lọt vào trụ bê tông hôm 31/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho rằng, bé rơi vào trụ bê tông có lòng trụ hẹp, rất có thể bị đa chấn thương nên tiên lượng xấu.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết các tổ cứu hộ sẽ làm việc xuyên đêm, không ngơi nghỉ, để tới sáng mai có thể kéo trụ bê tông nơi bé trai đang mắc kẹt lên mặt đất.
Trước đó, như tin đã đưa, trưa 31/12/2022, bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình dự án cầu kênh Rọc Sen thuộc ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, Nam bất ngờ lọt trong một trụ bê tông có đường kính khoảng 25cm, được khoan cắm sâu xuống lòng đất.
Sau sự việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện, chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Các lực lượng của tỉnh Đồng Tháp đã huy động khoảng 350 cán bộ, công nhân đến hiện trường để chỉ đạo, thực hiện giải cứu bé trai.
Theo SKĐS, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ 11h đến 16h30 ngày 3/1, lực lượng cứu hộ vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống thép ra ngoài. "Lúc 14h30 ngày 3/1, lực lượng cứu hộ đã làm sạch lượng bùn đất sâu 23m/35m bên trong lòng ống. Công tác khoan guồng xoắn vẫn tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27m, sau đó tiến hành buộc cáp vào 3 đoạn trụ bê tông. Lực lượng cứu hộ tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu trụ, khi không còn ma sát sẽ nhổ trụ bê tông lên".
Dựa trên ý kiến từ các chuyên gia, đội cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn. "Đội vẫn ưu tiên phương án khoan bằng guồng xoắn bởi đây là biện pháp ổn định, đem lại hiệu quả. Còn khoan xoáy nước vẫn là phương án dự phòng, chưa được triển khai" - lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng dự trù tình huống xảy ra mưa lớn trong đêm, sẽ sử dụng các biện pháp che chắn, đồng thời áp dụng thoát dẫn tự nhiên và sử dụng máy bơm.
Sẽ triển khai xây dựng nhà để gia đình sớm có nơi ở ổn định
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, Bộ Tư lệnh quân khu 9 quyết định sẽ hỗ trợ một căn nhà và đề xuất với địa phương tạo điều kiện để cha mẹ cháu bé sớm có việc làm ổn định.
Ngày 3/1, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 (Bộ Quốc phòng) đã trực tiếp đến hiện trường giải cứu cháu bé ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình).
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé Nam, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều cho biết, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ gia đình 1 căn nhà.
"Đến động viên gia đình cháu bé gặp nạn, tôi thấy gia đình rất khó khăn, con còn nhỏ, ruộng vườn ít mà công việc không ổn định. Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Bộ Tư lệnh, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ 1 căn nhà cho gia đình. Sau khi vụ việc ổn định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, cùng các cơ quan có liên quan tiến hành khảo sát, triển khai xây dựng nhà để gia đình sớm có nơi ở ổn định và đề xuất phương án hỗ trợ cho gia đình có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống", Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều nói.
Trước đó, trong buổi trực tiếp đến thăm hỏi, động viên chị Nguyễn Thị Mỹ Linh và gia đình của cháu Hạo Nam vào sáng ngày 2/1. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình đang sinh sống trong căn nhà siêu vẹo, ông Phạm Thiện Nghĩa Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã đề nghị các ngành chức năng địa phương quan tâm, hỗ trợ gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn sau sự việc.
2 kíp thầy thuốc ứng trực sẵn sàng cấp cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35 m
Theo SKĐS, BS Phan Văn Ê, Giám đốc TTYT huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thông tin đã cử 2 kíp thầy thuốc ứng trực tại địa điểm giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35 m.
Theo đó, ngay từ khi tiếp nhận thông tin về trường hợp cháu Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi rơi, lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA (cọc C1-MA) có đường kính ngoài cọc 50 cm và đường kính trong cọc 25 cm tại công trường thi công dự án cầu Kênh Rọc Sen, xã Phú Lợi, và nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo UBND huyện cùng Sở Y tế, TTYT huyện Thanh Bình đã cử 2 kíp thầy thuốc bao gồm 8 người, trong đó có 2 bác sĩ, thay phiên nhau ứng trực tại địa điểm giải cứu bé trai.
Theo BS Ê, 2 kíp thầy thuốc này đều là những cán bộ y tế ở khoa hồi sức cấp cứu, ngoại và gây mê hồi sức. Khi có yêu cầu, thầy thuốc sẵn sàng đặt nội khí quản, truyền dịch và cấp cứu ngoại khoa.
BSCKII Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp thông tin, BVĐK tỉnh Đồng Tháp cũng đã được yêu cầu sẵn sàng chi viện hỗ trợ cho TTYT Thanh Bình khi có yêu cầu.