Mũi khoan đã khoan xuống độ sâu 34 - 35 m ngang với đáy cọc mà em bé bị tai nạn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sáng nay, các đơn vị cứu hộ vẫn đang triển khai các biện pháp khoan guồng xoắn, có những mũi khoan đã khoan xuống độ sâu 34 - 35 m ngang với đáy cọc mà em bé bị tai nạn.
Theo Tiền Phong, liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống ống cọc bê tông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen (huyện Thanh Bình), trưa 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sáng nay, các đơn vị cứu hộ vẫn đang triển khai các biện pháp khoan guồng xoắn (biện pháp kỹ thuật áp dụng liên tục từ đầu đến giờ và vẫn đang duy trì), có những mũi khoan đã khoan xuống độ sâu 34 - 35 m ngang với đáy cọc mà em bé bị tai nạn.
Theo ông Bửu, tối qua, lực lượng cứu hộ đã triển khai song song 2 kỹ thuật khoan guồng xoắn và kỹ thuật phá vỡ đất bằng áp lực cao để tạo xoáy làm tan rã đất, nhưng kỹ thuật này gặp phải tầng địa chất phức tạp nên kết quả chậm. Do đó, lực lượng cứu hộ tạm dừng để ưu tiên triển khai khoan bằng kỹ thuật guồng xoắn bằng mũi khoan có đường kính nhỏ hơn.
“Hiện tại đã có mũi khoan chạm tới đáy cọc. Phần đất còn lại quanh trụ sẽ tiếp áp dụng khoan guồng xoắn làm tan rã đất, giảm áp lực ma sát tối đa và phương pháp này đang ưu tiên cứu hộ”, ông Bửu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, dự kiến trong chiều nay hoàn thành phá vỡ, làm tan rã các phần đất còn lại trong lồng ống có đường kính 1,6m để tính tới phương án giảm tối đa áp lực ma sát lên ống cọc. Sau đó triển khai phương án đưa ống cọc lên để cắt, thực hiện cứu hộ trên mặt đất.
Hiện, lực lượng cứu hộ đã triển khai diễn tập sơ bộ phương án cưa cắt bằng các thiết bị chuyên dụng đối với ống cọc bê tông. Đây là ống cọc bê tông chuyên dụng có độ dày và mác bê tông cao nên các đơn vị có bước cắt cưa thử để khi áp thực tế sẽ rút ngắn thời gian. Dự kiến cuối ngày hôm nay sẽ đưa được cọc bê tông lên mặt đất để cứu hộ tiếp theo.
Theo Dân Trí, ông Bửu khẳng định các tổ công tác đang tập trung làm việc hết công suất theo kế hoạch đề ra, hy vọng chiều 4/1 có thể đưa trụ bê tông lên khỏi mặt đất. Lúc này sẽ thăm dò, cưa cắt bê tông, đưa bé trai ra khỏi trụ.
Theo đánh giá của ông Bửu, biện pháp dùng máy bơm áp lực cao làm tơi rã lớp đất sét cứng ở độ sâu hơn 23m gặp khó khăn, không đạt kết quả cao. Do đó, biện pháp dùng khoan guồng xoắn tiếp tục được duy trì nhưng dùng mũi khoan nhỏ hơn để dễ xuyên thấu lớp đất cứng.
Hiện có nhiều thiết bị để thăm dò bé trai nằm ở đoạn nào nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ. Công tác tiếp ô xy vào trụ bê tông vẫn được duy trì.
Liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát công trình, ông Bửu cho rằng, từ hôm xảy ra sự vụ, các đơn vị này có mặt xuyên suốt và tham gia vào các công tác cứu hộ.
Trả lời báo chí về việc khởi tố vụ án hay không, vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói: "Hiện tập trung vào công tác cứu hộ. Khi hoàn thành hết phần việc này thì cơ quan chức năng sẽ điều tra, phân rõ trách nhiệm".
Về vấn đề đảm bảo an toàn thi công cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị giám sát, quản lý yêu cầu thực nghiệm việc che chắn rào, gắn thiết bị cảnh báo để kiểm soát, tuy nhiên đây là trường hợp hy hữu.
Trả lời câu hỏi cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án vì để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ông Bửu cho biết, hiện tỉnh đang tập trung cho công tác cứu hộ để hiện trường kết thúc sớm và giải quyết khó khăn cho gia đình. Còn trách nhiệm các cơ quan chuyên môn liên quan sự cố công trình này cũng sẽ được cập nhật để giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo CAND, trong sáng nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, lực lượng Công an, Quân đội đã được tăng cường hỗ trợ thêm cho công tác cứu hộ. Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cũng có mặt tại hiện thường.
Trước đó, như tin đã đưa, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn chung xóm vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt. Khi cùng nhóm bạn đi qua công trình, Nam lọt xuống trụ bê tông đã đóng sâu xuống đất khoảng 35m. Trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm.
Thấy vậy, nhóm bạn của Nam kêu cứu. Những người có mặt tại công trình đến ứng cứu nhưng bất thành. Khoảng 30 phút sau lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường, nhưng lúc này không còn nghe tiếng Nam kêu cứu.
Lực lượng cứu hộ triển khai nhiều phương án, như bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân; dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc... nhưng sau 5 ngày chưa có kết quả.