Ngộ độc rượu: Cảnh báo không thừa
Thông thường những ngày cận Tết lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn bình thường. Cùng với đó, số lượng người nhập viện do say rượu, bia; thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.
Gia tăng ngộ độc rượu cồn công nghiệp
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong dịp Tết Dương lịch 2023, bệnh viện đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong trước khi vào viện. Các nạn nhân đều sử dụng nhiều bia rượu trong các buổi liên hoan cuối năm. Trong số các nạn nhân ngộ độc rượu kể trên, một số trường hợp ngộ độc do Methanol (cồn công nghiệp) trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Ngộ độc rượu có pha Methanol là nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc Ethanol.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thiện - Khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo, ngộ độc rượu có 2 loại là ngộ độc Ethanol và ngộ độc Methanol, đa số các trường hợp là ngộ độc Ethanol. Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu diễn ra khi người bệnh uống rượu quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Với một số trường hợp ngộ độc do Methanol trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in…
Trước đó, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu gia tăng trong dịp cuối năm. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm khuyến cáo, người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Vì lượng cồn trong máu tăng cao khiến các bộ phận của não ngừng hoạt động. Cụ thể, sau khi vào dạ dày, hệ tiêu hóa hấp thụ rượu vào máu. Gan hoạt động liên tục, hết công suất để phân hủy rượu, loại bỏ độc tố. Nồng độ cồn trong máu bắt đầu tăng lên đến mức khiến gan quá tải, không thể loại bỏ độc tố đủ nhanh dẫn đến ngộ độc rượu, tác động đến các bộ phận của não kiểm soát các chức năng như: nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ. Ngộ độc rượu có thể xảy ra khi uống bất kỳ loại rượu nào (rượu vang, rượu gạo…).
Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc
Bác sĩ Huỳnh Văn Ân - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện nhân dân Gia Định (TPHCM) nhận định, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng phổ biến. Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và tốn chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối. Trên thực tế, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ Methanol rất cao. Nồng độ cồn công nghiệp Methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa Methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn trên thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, quá trình điều tra, truy xuất nguồn gốc và xử lý đối với nguồn rượu gây ngộ độc rất khó khăn vì người sử dụng thường mua rượu không có nguồn gốc xuất xứ tại các cửa hàng tạp hóa. Mặt khác, vẫn còn rất nhiều người dân tự dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu để sử dụng.
Ngộ độc rượu Methanol còn gọi là rượu Methylic, thường dùng trong công nghiệp hóa chất. Một số cơ sở sản xuất rượu gian lận thường sử dụng để sản xuất rượu. Đây là loại cồn rất độc vì đào thải chậm, chuyển hóa ô xy hóa thành Formaldehyde và axit Fomic là những chất gây độc đến chức năng hô hấp của tế bào. Khi bị ngộ độc rượu, người bệnh có nguy cơ cao bị mất ý thức, mất trí nhớ, hạ đường huyết, co giật, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, nôn, mửa liên tục dẫn đến mất nước, co giật, tổn thương não vĩnh viễn, tử vong… Do đó, người bị ngộ độc rượu cần được cấp cứu ngay lập tức.