Thuốc đắng dã tật
Năm 2022, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập diễn ra trầm trọng. Người bệnh chịu nhiều thiệt thòi. Dư luận bức xúc. Ngành y tế loay hoay tìm cách giải quyết. Nhưng rồi tình trạng ấy vẫn kéo dài. Nguyên nhân từ đâu và năm 2023 này có chấm dứt được tình trạng vô lý đó?
Nguyên nhân đầu tiên và được coi là quan trọng nhất dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế được cho là do những quy định bất cập trong việc đấu thầu. Phát biểu trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bà Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM) nêu câu hỏi: “Có quốc gia nào trên thế giới mà đấu thầu khốn khổ như chúng ta hay không? Tại các bệnh viện tư nhân thì họ mua sắm như thế nào? Tôi thấy vấn đề này cũng liên quan mật thiết đến vấn đề tự chủ bệnh viện vì nếu bệnh viện được tự chủ về tài chính, được quyền quyết định mua thuốc nào miễn là đáp ứng được yêu cầu điều trị của người dân”.
Còn theo ông Lê Đình Thanh Sơn - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, một số mặt hàng thuốc bị đứt gãy chuỗi cung ứng do 2 năm đại dịch triền miên. Triển khai đấu thầu, có khi 1.000 mặt hàng chỉ có 500 mặt hàng trúng thầu. “Cứ thất bại là lại phải tổ chức đấu thầu tiếp” - ông Sơn bức xúc.
Đó là chưa kể đến tình trạng thiếu thuốc “hậu đấu thầu”, do nhiều mặt hàng thuốc đã trúng thầu. Doanh nghiệp phải chứng minh số thuốc tồn kho đủ để cung ứng khi trúng thầu, nhưng 1 số loại thuốc chỉ bán được qua kênh đấu thầu, mà chưa biết có trúng hay không nên không ai dám mua vì nếu mua trước mà trượt thầu thì biết bán cho ai. Thời gian đấu thầu thường kéo dài từ 6 đến 8 tháng nên khi đấu thầu xong, hạn dùng của thuốc còn ngắn, nếu trúng thầu cũng khó đáp ứng được yêu cầu về hạn dùng.
Một số giám đốc bệnh viện chia sẻ, trong tình trạng cấp bách, bệnh viện buộc phải tiến hành đấu thầu, dù không dám chắc việc thực hiện có bị sai luật hay không. Nhưng nếu cứ theo quy định hiện hành thì liệu có thể đấu thầu mua được những thiết bị y tế lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam không, khi đòi hỏi phải có 3 báo giá. Thực tế thì ai kiểm định được giá đó, đã mua bán bao giờ đâu mà có 3 báo giá. Hoặc chỉ có 1 hãng bán thiết bị đó thì lấy đâu ra 3 báo giá.
Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng một nguyên nhân rất quan trọng khác dẫn đến việc thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế là do lãnh đạo các đơn vị liên quan trong ngành y tế sợ trách nhiệm, sợ sai nên chần chừ không dám quyết.
Thời gian qua, nhiều lãnh đạo sở, lãnh đạo bệnh viện, kể cả lãnh đạo Bộ Y tế vi phạm kỷ luật trong đấu thầu thuốc (thực chất là thông thầu); sai phạm trong việc lợi dụng chủ trương xã hội hóa (bắt tay với tư nhân nâng khống giá thiết bị y tế) đã bị truy tố, bắt tạm giam, xử tù. Những người khác nhìn vào thấy khiếp. Nhưng nói như ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì “nếu mình trong veo thì sợ gì”.
Hóa ra, ở đây còn có chuyện “không trong veo”.
Mới đây, trước khi kết thúc năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2021. Kết luận thanh tra cho thấy sai phạm tại nhiều gói thầu mua sắm phòng, chống dịch Covid-19, từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho đến Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản nhà nước tại HCDC; chuyển thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu và lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường như đã nêu đến Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.
Chưa hết, mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. C03 xác định các bị can đã dùng nhiều chiêu gian lận tại nhiều gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước gần 54 tỷ đồng. Đồng thời, C03 chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 12 bị can cùng về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó có ông Nguyễn Quang Tuấn - cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người đã bị bắt tạm giam từ ngày 10/12/2021.
Trở lại vấn đề, để các bệnh viện không thiếu thuốc, vật tư thiết bị, sinh phẩm y tế thì trước tiên Bộ Y tế và các bộ liên quan phải nhanh chóng gỡ vướng khâu đấu thầu. Cùng đó là rà soát khâu cán bộ, ai sợ trách nhiệm không dám làm thì cần yêu cầu “đứng ra một bên” để người khác làm; không thể vì những toan tính cá nhân của những người này mà làm tổn hại đến quyền được chữa trị của người bệnh.
“Thuốc đắng dã tật”, tổ tiên ta đã căn dặn con cháu như thế.