Một thời là thế
Làng tôi chia làm hai khu vực. Hắt từ đê vào các dốc làng là dân nông nghiệp. Xóm ngoài đê nằm xệ dưới đường men theo đê đến Bến Ngự địa liền với làng bên là dân phi nông nghiệp. Dân nông nghiệp có ruộng đồng mênh mông để cày cấy nông vụ chí kì. Còn dân phi nông nghiệp trong đó có gia đình tôi thì làm đủ các nghề và trông chờ vào mùa nước cạn sông Cái nổi lên bãi giữa để trồng khoai, ngô, kê và lạc. Trong mấy thứ đó tôi mê nhất là lạc bởi nó gắn bó với tôi từ tấm bé, xuyên qua thời học sơ tán mãi tận Đại Từ.
Hồi ấy, mỗi bận lặn lội từ quê lên trường là y như rằng mẹ tôi lại nhét vào ba lô của tôi hai cây xôi giống như cây giò nhưng thực ra đó là xôi lạc mẹ tôi gói chặt như gói giò, lại ngào với đường để được lâu. Mỗi bận ăn lại thái ra từng khoanh như thái giò. Vị giò xôi đặc sản của mẹ tôi đến giờ mỗi khi nhớ lại vẫn đọng sự ngọt nào, thơm bùi trong tôi. Món thứ hai làm từ lạc là mứt lạc mẹ tôi làm vào dịp tết.
Thời bây giờ quà cho trẻ nhất là ở thành phố thì đủ thứ. Hoa quả ngập tràn hàng nội hàng ngoại, trái, quả nước nào cũng có. Bánh kẹo thì chỉ cần vào bất kì từ quán ven đường đến cửa hàng, siêu thị, trạm nghỉ nào cũng thấy ùn ùn đủ loại từ kẹo nội giá rẻ đến bánh ngoại cao cấp. Còn thuở bao cấp, lứa tuổi mong tết nhất là trẻ con. Làm sao mà không mong tết được. Mấy ngày nghỉ tết không phải đi học, được may áo quần mới, được ăn cơm có thịt, lại được mừng tuổi. Riêng tôi khi còn bé ngoài những điều bạn bè ước ao khi tết đến, tôi khao khát tết về để được chén thoải mái mứt lạc mẹ tôi xào.
Giờ đã ngoại thất tuần nghĩ đến mứt lạc là tôi đã hình dung ra những tảng mứt – đúng là tảng chứ không phải viên mứt lạc như trứng chim bồ câu bé xíu bọc bột trắng toát, ôm hạt lạc trắng phếch nằm trong hộp mứt thập cẩm tiêu chuẩn tết của mậu dịch. Những cục đường xù xì kết lại nom như những hòn non bộ xinh xinh mẹ tôi để trong lọ thủy tinh đậy nắp kín cho khỏi hả, khỏi ỉu vừa đổ ra nằm lổng chổng trên đĩa sứ.
Có lẽ không gì ấm cúng và nồng nàn hơn cảnh ba mẹ con tôi ngồi xoe vỏ lạc sửa soạn làm mứt trong buổi tối mùa đông giáp tết dưới ánh đèn dầu lom đom. Ngoài kia tiếng gió bấc quật quã tầu lá chuối đính vào thân cây nặng nề đu đưa vì buồng chuối sắp được chặt, cùng mái nhà lá giãy nảy vì gió. Chốc chốc chị tôi lại kêu lên: “Mẹ kìa, thằng cu không chịu xoe vỏ mà chỉ ăn lạc thôi, ăn nhiều thế thì còn đâu lạc làm mứt đón khách đến chơi tết”. Bao giờ sau câu nói của chị, mẹ tôi mỉm cười khẽ nói: “Em nó ăn ít cũng không sao vì mẹ đã rang dôi ra rồi. Còn cu, tối rồi, ăn ít lạc thôi, không đầy bụng đấy”.
Lạc xoe vỏ xong, mẹ tôi bắt tay vào công đoạn xào mứt. Chiếc chảo gang được bắc lên, mẹ tôi đổ đường kính vào. Tết nào không có đường kính mẹ tôi lại thay bằng đường hoa mai, màu vàng xuộm. Mẹ tôi bảo: “Mứt lạc bọc đường hoa mai đậm hơn nhưng không thanh bằng mứt đường kính”.
Dạo nhỏ, tôi không hiểu câu nói của mẹ vì với tôi mứt xào đường gì cũng ngon. Tôi hau háu bên bếp, hít mùi đường bắt đầu chảy ra thơm ngào ngạt. Có lần khi thấy đường bốc mùi ngọt lự, tôi giục mẹ đổ lạc vào.
Mẹ nhìn tôi mỉm cười bảo: “Cứ từ từ, cho lạc vào phải đúng cữ đường chảy thì mứt mới kết dính được”. Lần nào cũng vậy, mẻ mứt đầu vừa bắc ra mẹ tôi cũng gắp cho tôi một tảng nói khẽ: “Nếm đi, nhưng đợi nguội không bỏng miệng”. Sau này, mỗi khi nhắc lại chuyện này. Dì tôi còn bảo: “Mẹ con là người xào mứt lạc giỏi nhất làng ta đấy. Mứt bà ấy xào mười mẻ thì cả mười đường bám đủ lạc”.
Khi có gia đình, vợ chồng tôi bận bịu công việc, vả lại gặp lúc khó khăn thời bao cấp nên mứt dành cho hai con chỉ trông chờ vào gói mứt mua theo bìa hộ gia đình nên chưa bao giờ vợ con tôi có được những phút giây xào mứt lạc. Mặc dù theo tôi biết vợ tôi cũng nắm được việc làm món mứt xào cùng các cách làm bánh khúc, bánh gai, bánh sắn do hồi còn con gái đã từng cùng mẹ - người phụ nữ con đầu của một bà mẹ biết dạy con gái: Sao cho làm dâu thiên hạ mà bố mẹ không bị chê bai vì không dạy con. Chính bà mẹ vợ tôi cũng nổi tiếng trong làng vì đức đảm khi làm dâu cả nhà trưởng họ, đông con, một năm có đến sáu cái giỗ đại.
Đôi khi nghĩ ngợi lẩn thẩn, tôi chạnh buồn khi nghĩ đến con tôi. Chúng thật thiệt thòi vì trong đời chúng không có ký ức êm đềm ngọt ngào chứng kiến mẹ xào mứt lạc. Chúng chỉ có ký ức tuổi thơ khi chứng kiến cảnh bố mẹ chạy đôn đáo để làm bánh quy gai xốp mỗi khi Tết sắp về.
Thời nay không đứa trẻ nào biết được nồi cơm gia đình khi chín, mở nắp vung ra, thấy mùi bột mỳ nồng sực tỏa ra bao trùm. Đứa trẻ đang đói hau háu chờ bỗng thở dài khi nhìn thấy những tảng cơm với những hạt lưa thưa bám vào cục mỳ rắn chắc.
Hồi bao cấp, công nhân, viên chức ăn gạo theo tiêu chuẩn nhà nước cấp. Tháng nào cũng vậy, gạo chiếm một phần ba còn lại là chất độn. Ngoài ngô, bo bo, khoai… còn phổ biến là mỳ. Thi thoảng là mỳ sợi còn là bột mỳ.
Bột mỳ mang về các bà nội trợ trổ tài pha chế chế biến cho chồng con ăn đỡ chán. Bột mỳ hết thành cháo mỳ, mỳ rán, cuối tháng hết mỡ thì lót lá chuối cho khỏi cháy… Chán chế biến lại trở về nặn bột thành cục nấu với gạo. Người lớn im lặng ăn cho qua bữa, trẻ con thì phụng phịu, lắc đầu. Con trai cả của tôi năm nay đã ngót 50 tuổi thỉnh thoảng còn kể cho hai con nó ấn tượng một thời là cứ đến bữa ăn là bố với chú Hải lại mặc cả với bà rằng: “Con không ăn cơm cục đâu”.
Bột mỳ thường ngày ớn thế mà đến tết đột nhiên lên ngôi. Trong thạp, thùng nhà nào ngày giáp tết mà không có đôi ba cân bột mỳ thì thật đáng lo. Bởi không có bột mỳ không có bánh gai quy xốp để tiếp khách, trẻ con trong nhà không có miếng ra, miếng vào. Chúng không có gì để khoe với trẻ hàng xóm: “Nhà tớ cũng có quy gai xốp. Bánh nhà tớ to hơn bánh nhà cậu”. Mấy ngày tết chỉ vẻn vẹn hộp mứt thập cẩm tiêu chuẩn bé xíu, người khỏe ăn rốn một lần cũng hết.
Có bột mỳ rồi, lại tính đến đường. Đường làm bánh trông vào tiêu chuẩn đường cả năm ăn rè ăn xẻn (khi nào trong nhà có người ốm mới được một cốc nước đường) tích lại, cùng vài ba quả trứng (vợ tôi hồi đó bảo càng nhiều trứng quy gai càng trắng, càng nở xốp) mang đến các cơ sở gia công quy gai nhan nhản trên phố (dạo đó sao nhiều cơ sở chế biến quy gai xốp thế).
Từ khi thấy bố hay mẹ mang bột mỳ, trứng, đường đi ra phố là trẻ bắt đầu phấp phỏng chờ đợi. Thời bao cấp ấy có dễ phải đến hơn chục lần khi giáp tết đến tôi thấy sự mong ngóng của hai đứa con nhà tôi chờ tiếng xe đạp long gác đờ bu của mẹ về đầu tầng. Hai đứa ùa ra, tay vỗ, miệng líu lại: “Mẹ đã mang quy gai xốp về rồi bố ơi”.
Dạo đó gia đình tôi được phân nửa căn hộ với ông Vụ trưởng được căn rưỡi, trong khu tập thể lắp ghép mới xây. Con đường dẫn lên phố là đường cấp phối đầy cát. Theo lời vợ dặn tôi mang các thứ lên cửa hàng làm bánh, bất ngờ bị chiếc xe ba bánh trong khi chạy gấp để tránh quản lý thị trường đã va vào ghi đông.
Xe đạp của tôi đổ xuống. Nhìn bột mỳ trắng xóa, trứng vỡ vàng khè trên trên nền cát, tôi mường tượng ra cặp mắt ngơ ngác của hai con tôi khi nghe tôi buồn rầu bảo: “Bột mỳ, trứng rơi xuống đất. Không có gì làm quy gai xốp nữa rồi”. Đang thần người, tôi chợt nghĩ rồi quay xe phi đến nhà ông bạn đồng môn. Rất may nhà đồng môn năm ấy quyết định về quê ăn tết nên không làm quy gai. Tôi run run nhận số bột ông bạn đưa và lại thấy đôi mắt hai con tôi lấp lánh với tiếng reo: “Bố đã mang bánh quy gai xốp về rồi”.
Ôi, có một thời là thế đấy!