Những mùa đông đã qua
Lạ là, ở giữa mùa đông này tôi lại nhớ đến những mùa đông xưa, mà thực ra cũng chưa xưa lắm, chỉ có điều nó rất khác: Mùa đông của một cậu bé lớn lên ở làng quê.
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Nhà thơ Giang Nam viết ra những câu thơ này hẳn là viết về tuổi thơ của ông rồi. Nhưng không chỉ có thế, ông viết hộ cả cho chúng tôi - những đứa trẻ cùng sinh ra ở nông thôn. Chỉ thắc mắc không hiểu sao ông lại bảo “ngày hai buổi đến trường”. Hình như chỉ có thời nay trẻ em mới “ngày hai buổi đến trường”, tối còn đi học thêm, chứ trước đây thì không phải vậy, chỉ một buổi thôi và thường là buổi sáng. Buổi còn lại, nếu ở nông thôn thì như chính nhà thơ Giang Nam đã tả: Đi chăn trâu, nếu không thì cũng lấy rau cho lợn, phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, làm việc nhà hoặc…, đánh khăng, đánh đáo.
Khi ấy, những năm tháng tuổi thơ tôi cùng bạn một buổi đi học buổi còn lại đi chăn trâu. Tôi chăn trâu quanh năm, chăn từ mùa xuân sang mùa hè, từ mùa thu sang mùa đông và chỉ nghỉ “chăn” trong mấy ngày tết; chăn cho đến khi rời làng đi học xa. Chân đất, quần đùi, áo cộc, đầu đội chiếc mũ giang, mặt mũi đen nhẻm, ngồi vắt vẻo trên lưng hoặc lẽo đẽo theo sau con trâu. Mùa xuân, mùa hạ hay mùa thu đi chăn trâu đều rất thích.
Sau mùa đông lạnh giá, gặp mưa nắng thuận hòa vạn vật sinh sôi nảy nở, dọc các con mương máng, bờ vùng bờ thửa cỏ mọc xanh rờn, trâu tha hồ chén, chả lo “đầu cơ nghiệp” bị đói. Thích nhất là đi chăn trâu sau vụ gặt. Khi ấy, trời đã vào hè, đồng làng trống không, trơ ra những bờ ruộng nằm ngang dọc, cỏ mọc um tùm, đám mục đồng chỉ việc cuốn thừng lên sừng trâu, thả cho chúng tự do. Rảnh tay, cả bọn giở đủ trò, hết bắt cua cá, tắm sông lại tập trung ở bãi tha ma hay quán gió giữa đồng đánh cờ hàng, thi vật tay, chém cỏ gấu, cả trêu chọc, đánh lộn. Hoàng hôn tắt hẳn mới chịu buông nhau dong trâu về chuồng…
Nhưng mùa đông và đầu xuân thì không được như vậy, rất cực. Đầu đông thì tiết trời hanh khô, giữa đông thì rét căm căm, sương muối giăng đầy, đầu xuân thì không chỉ rét mà còn có mưa phùn, ẩm ướt. Giữa tiết trời ấy cỏ cây già cỗi, héo úa, trâu thường bị đói. Mục đồng chúng tôi cũng không còn có thể tập trung, tụ bạ để chơi đùa mà co ro trong manh áo tơi bên con trâu trên đồng làng hun hút gió. Thường thì “cái khó ló cái khôn”, để chống rét khi ấy đám mục đồng nghĩ ra cách móc đất thịt lên, nặn thành những chiếc bếp lò mi-ni, nhặt quả thông khô cho vào, châm lửa, để ngược chiều gió. Khói, lửa bốc lên, mùi quả thông cháy tỏa ra xung quanh rất thơm, người ấm hẳn!
Trong khi đám trẻ chống trọi với cái rét mùa đông, cố kiếm những nơi còn sót lại vài vạt cỏ, kể cả phải đi xa đồng làng để tối về chuồng bụng trâu không quá lép thì người lớn cũng vật lộn, tìm mọi cách để bảo vệ rau màu trước những đợt “tấn công” của giá rét, của khô hanh, của những màn sương muối bao phủ, giăng mắc trên đồng làng. Để tốt tươi rau màu cần nhiều thứ nhưng thứ cần nhất là nước tưới. Nhưng khi ấy, trời thay vì mưa chỉ buông những màn sương muối nên mương máng, ao hồ đều cạn kiệt. Như bây giờ khoa học, công nghệ có thể giúp nông dân trang bị hệ thống tưới tự động trên đồng ruộng.
Nhưng mấy chục năm trước, ở một làng quê bắc bộ, khi mà việc nông dân bắt tay sản xuất rau màu vụ đông trên đồng đất vốn trước đây chỉ chiêm mùa hai vụ lúa đã được xem là mạnh dạn, là đổi mới thì để chống hạn cho su hào, cà chua, bắp cải, khoai tây… người ta làm gì? Là đào những cái hố sâu quá đầu người ngay dưới lòng kênh để chắt lấy từng xô nước mang lên, dùng những chiếc bát ăn cơm, múc từng bát nước rưới vào từng gốc rau; là huy động mọi thứ thùng phuy, chum, vại hay bất cứ thứ gì đựng được nước, chất lên chiếc xe thồ có hai chiếc “tành” gắn ở hai bên, đẩy ra ao làng, múc cho đầy rồi “thồ” nước ra đồng, rồi lại dùng những chiếc bát con con, múc từng bát rưới vào từng gốc cây. Quá trình ấy cứ thế diễn ra, từ sáng sớm đến tối muộn…
Ấy là chống hạn, chống sương muối còn cam go hơn nhiều. “Kẻ thù” của rau màu, nhất là cà chua chính là sương muối. Gặp đất, gặp nước, bén phân, cây cà chua lên xanh mơn mởn. Nhưng chỉ một hai đêm trời buông sương muối lá cà chua đã xoăn tít lại, rồi đứng ỳ ra đấy, không chịu lớn thêm cũng không chịu ra hoa đậu quả.
Người làng gọi những cây cà chua này là cây “rụt”. Gặp cảnh cà chua bị “rụt” chẳng còn cách nào khác ngoài việc ngao ngán nhổ bỏ để trồng cây mới. Để phòng sương muối tấn công rau màu, người làng phải dùng bình, phun thuốc bảo vệ, vài ngày một lần phun. Lưng cõng bình nước, một tay kéo, ấn cần bơm một tay lua hua cái vòi nước. Ít ngày nữa là tết rồi, to hay bé cũng là đây; có gạo có đỗ, có bánh chưng, có con gà, có mâm ngũ quả, có quần áo mới cho con, cho cháu, có đồng mừng tuổi cho cụ già, cháu nhỏ hay không cũng là đây nên người làng chẳng nề hà, dầm mình trong giá rét mùa đông trên đồng làng.
Và rồi, được mùa hay mất mùa vụ đông thì Tết vẫn cứ đến. Khi đó, dù da tay nhăn hết lại vì nước lạnh trẻ con chúng tôi vẫn rất hào hứng với việc phụ cha mẹ, ông bà rửa lá dong gói bánh chưng, lau rửa nhà cửa, đồ đạc; nhậu than, bắc bếp lò để phục vụ việc “đỏ lửa” suốt mấy ngày tết. Việc phụ bố trồng cây đào, cây quất lên chậu sao mà thú vị. Bận rộn đấy, rét mướt đấy nhưng với những đứa trẻ đó thực sự là những ngày hội. Hồi hộp nhất là chờ đến ngày ông thợ may ở ngoài thị tứ hẹn trả bộ quần áo mới trước đó ít ngày mấy anh em đã sung sướng đến lịm người khi ông thợ ướm cái thước đo lên người.
Ấy là những việc chuẩn bị tết cho người. Còn những con trâu, bò thường ngày chúng tôi vẫn chăn dắt trên đồng thì sao? Cũng phải chuẩn bị gì cho chúng ăn tết chứ. Tất nhiên rồi, khi đó vụ đông đã vãn, phụ phẩm rất nhiều. Ngoài những đống rơm đã được phơi, chất đống sau vụ mùa, chúng tôi tích trữ rất nhiều dây khoai lang, chất thành đống để trong những ngày tết chỉ việc thỉnh thoảng mang một ít vào chuồng cho chúng. Chỉ tội một điều ngày thường chúng được tung tăng cùng chúng tôi trên đồng làng, những ngày tết phải chịu đứng thu lu trong cái chuồng chật hẹp, hẳn là chúng bị cuồng cẳng lắm.
Và, vui biết bao nhiêu khi trưa ngày 30 Tết được chìm đắm trong không khí linh thiêng tràn ngập ba gian nhà đã rất gọn gàng, sạch sẽ. Mâm ngũ quả đã được mẹ tỉ mẩn sắp đặt, bày trên ban thờ cùng mâm cơm cúng tất niên lụi cụi chuẩn bị từ sáng sớm, nén hương vòng cũng đã tỏa hương trong khi cha mẹ lầm rầm khấn vái. Hạnh phúc nhất là sau đó cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, với những món ăn ngày thường không có. Và rồi, chiều ấy được dầm mình trong chậu nước nóng, ngát hương thơm của cây mùi, của quả bồ kết, mơ đến sáng mai ngày mồng 1 đầu năm được mặc lên người bộ quần áo mới…
Giờ đây, khi đã ở tuổi trung niên, đã làm bố tôi càng thấm thía hơn để có niềm sung sướng rất con trẻ, cha mẹ khi đó đã phải đánh đổi bằng mồ hôi quanh năm đổ trên đồng, bằng những đêm dài mùa đông đầy âu lo khi trời lúc khô hanh lúc giăng đầy sương muối, bằng sự hồi hộp trông chờ rau màu tốt tươi, ra hoa kết trái…
Một mùa đông nữa sắp qua, một mùa xuân mới lại sắp về!
Vui biết bao nhiêu khi trưa ngày 30 Tết được chìm đắm trong không khí linh thiêng tràn ngập ba gian nhà đã rất gọn gàng, sạch sẽ. Mâm ngũ quả đã được mẹ tỉ mẩn sắp đặt, bày trên ban thờ cùng mâm cơm cúng tất niên lụi cụi chuẩn bị từ sáng sớm, nén hương vòng cũng đã tỏa hương trong khi cha mẹ lầm rầm khấn vái. Hạnh phúc nhất là sau đó cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, với những món ăn ngày thường không có. Và rồi, chiều ấy được dầm mình trong chậu nước nóng, ngát hương thơm của cây mùi, của quả bồ kết, mơ đến sáng mai ngày mồng 1 đầu năm được mặc lên người bộ quần áo mới…