Nơi tim tôi dừng lại
Mùa đông chỉ đến khi những thửa ruộng bắt đầu khô nẻ và đám gốc rạ còn lại sau vụ mùa trở nên khô trắng. Mùa cày nỏ chưa sang nên cánh đồng tĩnh lặng lạ. Mỗi khi gặp lại khoảnh khắc ấy, tôi hay thấy dáng mình trên những chân ruộng mờ đục khói sương trong cái gió bấc lạnh hun hút. Lúc những chân ruộng khô trắng, đấy là khi mùa cắt gốc rạ bắt đầu.
Năm lên mười, tôi đã bắt đầu theo lũ trẻ con trong xóm đi cắt cỏ, cắt gốc rạ để đun hoặc cho lợn giẫm làm phân chuồng. Hồi ấy chất đốt khan hiếm, mà mùa đông thì kéo dài với gió bấc, mưa dầm và cái lạnh thấu xương. Trời rét, nếu không có rơm rạ lót chuồng và ủ ấm chỗ nằm cho lợn thì chúng cũng chậm lớn và hay bị bệnh.
Trong khi đó, đồng cỏ vào mùa đông cằn cỗi héo úa, chỉ khi sang xuân ấm áp chúng mới bắt đầu mọc lại và tươi tốt. Nhưng cắt gốc rạ cũng không được hợp tác xã cho phép, nếu mấy ông bảo vệ mà bắt được thì ôi thôi, quang gánh, liềm, sọt chẳng những bị tịch thu mà còn bị báo về ông đội trưởng sản xuất để trừ công điểm.
Họ cho rằng như thế là phá hoại mùa màng, cần phạt nghiêm khắc, gốc rạ phải để nguyên trên ruộng còn làm phân bón cho mùa sau. Tuy vậy, buổi chiều không phải tới trường, tôi vẫn cùng lũ bạn trong xóm vẫn gánh toòng teng đôi quang trành, hai chiếc sọt và cái liềm ra đồng. Không có rạ thì cố gắng cắt vài sọt cỏ hoặc kiếm ít rau dại mang về cho lợn.
Cánh đồng mờ mịt một màu trắng đục. Chúng tôi bỏ qua những cánh đồng gần, băng qua những chân ruộng cao thấp để tìm những thửa ruộng có gốc rạ dài và dày. Chỗ đấy có thể xa tít trên cánh đồng nhưng bù lại ít khi bị bảo vệ thu quang gánh.
Ở đấy có những thửa ruộng lúa tốt, cây cao và rậm nên lúc gặt người ta bỏ lại rạ dài hơn, cắt chỉ một loáng là xếp được đầy quang gánh. Vừa xếp vừa vội vàng đi cắt thêm ít cỏ tươi phủ lên trên giả vờ như đấy là gánh cỏ để che mắt mấy ông bảo vệ.
Gánh rạ nặng trịch khiến bước chân ai cũng xiêu vẹo. Đường về nhà đã nặng lại xa, có lần tối mịt mới dám về vì bóng mấy ông bảo vệ cứ đảo qua đảo lại trên đường cái. Lại có lần về đến cầu ao đầu làng rồi chẳng may bị phát hiện, đứa nào đứa nấy run lập cập chân bước ríu vào nhau, may mắn hôm ấy được tha. Nỗi sợ khiến suốt một tuần liền cả nhóm chả ai dám ra đồng cắt rạ khiến cái chuồng lợn nhà ai cũng lầy lội. Chỉ tội nghiệp mấy con lợn chịu ướt át rét mướt trong chuồng suốt mấy ngày trời buốt giá.
Hồi ấy, cái Nhi là đứa bạn hay đi cùng tôi ra cánh đồng. Tôi cắt rạ không nhanh bằng nó nên nó hay rủ tôi cắt chung cốt để giúp tôi mau đầy gánh. Nắng hanh hao những buổi chiều đông làm mặt ruộng nứt toác ra cho vừa cả bàn chân xuống được. Người ta sẽ cày nỏ phơi đất trong nay mai. Cái Nhi là đứa hiểu biết về cánh đồng hơn tôi. Nó có thể biết được những con đường tắt, đường vòng, những chỗ có thể nhảy qua mương nước để trốn được mấy ông bảo vệ.
Ngoài ra nó còn biết rõ đồng Cao hôm nay rạ đã bị cắt gần hết, muốn dày và dài thì phải lên tận đồng Bùi. Còn khu Cửa Chuôm phải đến tháng sau mới có thể cắt được, khi nào đến đấy sau khi cắt đầy gánh thì có thể đi tát cá, bắt ốc. Nó hẹn khi nào ruộng khô sẽ rủ bọn tôi đi rồi cùng nhau đốt lửa nướng cua cá, ngon phải biết…
Mãi sau này, khi không còn ra đồng đi cắt rạ nữa, tôi vẫn hay nhớ về những buổi chiều mùa đông ngồi bên cái Nhi giữa cánh đồng lộng gió với tay chân và đôi môi nứt nẻ vì gió bấc. Tôi nhớ đến những gánh gốc rạ nặng trịch uốn cong chiếc đòn gánh cùng sự phấn khích của con lợn trong chuồng khi rúc sâu vào giữa cái ổ khô ráo và ấm áp ấy.
Chẳng hiểu sao, cánh đồng mùa đông những buổi chiều không nắng và bảng lảng sương khói luôn gợi lại trong lòng tôi những kỷ niệm xưa cũ. Nơi ấy lúc nào cũng thật sống động, thật đẹp, thật buồn nhưng cũng thật hạnh phúc và nay đã thật xa xôi. Đôi khi, những muộn phiền thường nhật tan như sương mai mỗi khi tôi nhớ về nơi xa xôi ấy…