Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia để triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực dự báo và phòng, chống thiên tai cuả người dân và cộng đồng; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể giảm tối thiểu 10% thiệt hại về người so với giai đoạn 2010 – 2020, trong đó tập trung giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế không vượt quá 1,2% GDP hàng năm.
Chương trình của Chính phủ đặt ra là xây dựng quốc gia có khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời. Khả năng nhận thức về rủi ro và kỹ năng phòng chống thiên tai cũng như năng lực tham mưu tại chỗ và quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng. Cụ thể, đối với vùng núi phía Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sẽ tập trung chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại, hạn hán, sạt lở ven sông…Tăng cường các biện pháp dự báo, cảnh báo thiên tai; quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai; hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi đảm bảo phòng, chống hạn, tiêu thoát nước, vận hành hiệu quả các hồ chứa nước…
Vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) tập trung phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tập trung phòng, chống hạn hán, lũ, ngập lụt, lũ quét. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững…
Còn đối với các đô thị lớn, cần tập trung phòng chống ngập úng do mưa lớn và triều cường; trên biển và hải đảo, chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu sau năm 2045 Việt Nam là một quốc gia chủ động phòng ngừa thiên tai, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, xây dựng một cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.