Lối mòn hay sự bứt phá

NGUYỄN HIẾU 06/01/2023 09:16

Những vở diễn và nhiều bộ phim gần đây khiến khán giả hứng thú vẫn là kịch bản của nước ngoài, trong khi đó phần lớn kịch bản trong nước vẫn đi theo lối mòn quen thuộc với đề tài tình cảm sướt mướt hay những chuyện giáo điều khô cứng chưa tạo được sự bứt phá. Với sân khấu, người xem luôn muốn được thấy thông điệp của cuộc sống từ các vở diễn. Còn với điện ảnh là tính chân thực và tính đặc trưng dân tộc của tác phẩm.

Một cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”.

Lối mòn đề tài các vở diễn, phim truyền hình

Trong 2 liên hoan sân khấu gần đây, nhất là Liên hoan sân khấu Thủ đô đầu tháng 10, và Liên hoan Chèo toàn quốc cuối tháng 10 vừa qua, từ Ban giám khảo cho đến dư luận đều đánh giá, nhược điểm của hai sự kiện văn hóa nghệ thuật này là sự thiếu vắng của các vở diễn về đề tài hiện đại. Điều này có nguyên nhân sâu xa.

Đó là sự né tránh để bảo vệ an toàn cho các vở diễn của các đơn vị sân khấu. Nhược điểm này đã xuất hiện hơn ba thập niên. Đây là một điều trái với bản chất sân khấu với tư cách là một thể loại văn nghệ thánh đường.

Ở sân khấu, người xem luôn muốn chứng kiến những đề tài nóng bỏng, sôi động của thực tế xã hội thông qua sự phản ánh trực tiếp các biến động xã hội và nhất là được nghe thông điệp của cuộc sống từ các vở diễn. Thiếu yếu tố này đã khiến sân khấu của nước ta hơn ba thập niên rơi vào tình trạng suy thoái, bị khán giả quay lưng. Để an toàn cho vở diễn kéo dài hơn 30 năm nay của các đơn vị kịch đã khiến đội ngũ tác giả đa phần dù muốn hay không đều né tránh đề tài hiện đại với sự kiêng kị cái gọi là “đề tài nhạy cảm” để quay về đề tài lịch sử, chuyện cổ tích, dân gian

Còn ở phim, nhất là phim truyền hình, một dạng nghệ thuật có tính báo chí - nhược điểm này nhẹ hơn, song nó lại thể hiện sự thiếu vắng này với hình thái khác. Tuy phim truyền hình đã xuất hiện một cách hiếm hoi phim phản ánh sự nóng bỏng của cuộc sống như “Bão ngầm”, “Sinh tử”.

Nhưng trong hàng loạt phim gần đây thì các nhà làm phim truyền hình mặc dù bị phê phán nhiều vẫn bất chấp dư luận để đi vào con đường mòn là Việt hóa phim nước ngoài bất chấp sự bất hợp lý trong sự phản ánh thực tế xã hội. Bên cạnh đó là việc tìm đến đề tài gia đình, và biến nó thành đề tài trung tâm của phim truyền hình gần đây. Phim hiện nay bị khán giả phàn nàn vì sự bôi bác, kéo dài lê thê đang chiếu trên màn ảnh nhỏ là “Hành trình công lý”.

Thoạt nghe đầu đề tưởng phim này động chạm đến mâu thuẫn lớn của xã hội, nhưng loay hoay một hồi phim lại trở về đề tài gia đình nhàm chán. Sự lặp lại đề tài này một cách thiếu thuyết phục vì các nhà làm phim truyền hình ở “Hành trình công lý” lại đi vào lối mòn dễ dãi trong làm phim hiện nay là Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Phim “Hành trình công lý” có gốc từ phim “Người vợ tốt” (The good wife) của Mỹ.

Cảm giác này của khán giả từng xuất hiện khi xem “Hương vị tình thân” (Việt hóa từ phim Hàn), “Sống chung với mẹ chồng” (Việt hóa từ tác phẩm của Trung Quốc)… Đến bộ phim “Mẹ ác ma, cha thiền sư” (Việt hóa từ phim Trung Quốc “Mẹ hổ bố mèo”) đến “Đừng làm mẹ cáu”. Phim truyền hình ngày càng chứng tỏ sự làm phim tuỳ tiện, không tôn trọng khán giả, không chịu đi theo con đường chân chính của nghệ thuật - là sáng tạo, công phu và thận trọng.

Đạo diễn Việt Nam-Hàn Quốc cùng dựng vở kịch “Bến không chồng”.

Tác phẩm văn học - giải pháp để kịch bản thành công

Rất may trong thời gian gần đây, lác đác ở một vài đơn vị sân khấu đã bắt đầu khắc phục tình trạng hiếm kịch bản về đề tài này nên Nhà hát Kịch Việt Nam đã hợp tác với Hàn Quốc dựng kịch bản từ việc chuyển thể tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng.

Nhà hát Kịch Hà Nội thì dựng “Mảnh đất lắm người nhiều ma” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Còn ở lĩnh vực phim, phim nhựa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tìm đến văn học khai thác hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để làm nên phim “Tro tàn rực rỡ” được đánh giá cao về chất lượng khi đoạt giải Khinh khí cầu Vàng tại Liên hoan phim 3 châu lục diễn ra ở Nantes (Pháp).

Việc phim màn ảnh hay còn gọi là phim nhựa “Tro tàn rực rỡ” của Bùi Thạc Chuyên gặt hái được kết quả và trở thành phim Việt Nam đầu tiên đạt giải cao thực sự chuyên môn tại một Liên hoan phim quốc tế lớn đã nói lên một điều: Đến với văn học là một trong những con đường, giải pháp để các tác phẩm phim thành công. Điều này không phải là một phát hiện mới mẻ gì, cả trên thế giới và ở Việt Nam.

Ở ta, mỗi khi các đạo diễn tìm đến văn học để khai thác thì đều gặt hái những thành công như Nguyễn Phan Quang Bình với “Cánh đồng bất tận” và nay là Bùi Thạc Chuyên với “Tro tàn rực rỡ” từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Còn trong lĩnh vực phim truyền hình thì giai đoạn nhà văn Thùy Linh làm Giám đốc Hãng phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam có thể coi là giai đoạn đỉnh cao, nở rộ của tác phẩm văn học được khai thác làm phim. Giai đoạn đó “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, “Sóng dưới đáy sông” của Lê Lựu, các tiểu thuyết và truyện vừa của người viết bài này là: “Bốn bước đến chân trời”, “Vàng dưới đáy sâu”, “Làng êm ả bên sông”… Cũng được chuyển thành phim (riêng truyện vừa “Làng êm ả bên sông” lên phim hai lần với hai đạo diễn khác nhau).

Nhưng thật đáng buồn sự khai thác văn học - một vỉa quặng quý cho phim điện ảnh, nhất là phim truyền hình - chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, thay vào đó là lối làm phim bóc ngắn, cắn dài, ăn xổi ở thì dễ dãi là mua bản quyền kịch bản nước ngoài về Việt hoá một cách vội vàng, thiếu đầu tư, nghiên cứu kĩ lưỡng, bất chấp thị hiếu người xem trong nước khi làm lại kịch bản. Sự Việt hóa phim nước ngoài này như nhiều lần tôi đã nói là chúng ta vô tình chấp nhận sự xâm thực của văn hóa nước ngoài. Đáng buồn trong không ít liên hoan phim, phim Việt hoá theo kiểu “mì ăn liền”, thiếu tính nghệ thuật cũng được trao giải thưởng.

Trong một sinh hoạt của Hội Điện ảnh Hà Nội diễn ra trung tuần tháng 12, nhà văn, biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh - người chịu trách nhiệm tuyển chọn phim cho Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua đã đưa ra một nhận định gây sốc cho giới văn chương và điện ảnh. Ông cho rằng: “Nền văn học của chúng ta hiện nay chưa có tác phẩm lớn nên điện ảnh cũng chưa thể có những phim xứng tầm với thời đại, nhất là làm thế giới chấp nhận như nền điện ảnh của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ”.

Cá nhân tôi chỉ chấp nhận ý kiến này của nhà văn, biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh về mặt nguyên tắc. Đúng là văn học nước ta về mặt nào đấy còn ở trình độ chưa đạt được mong muốn của người đọc trong nước và thế giới. Lối phản ánh một chiều theo chủ quan của người viết về đề tài chiến tranh cũng như trong cuộc sống đương đại, né tránh thực tế như nó diễn ra đã làm mất đi tính chân thực của tác phẩm. Thêm vào đó tính đặc trưng dân tộc - một trong những yếu tố rất được thế giới quan tâm - dường như vẫn bị xem nhẹ.

Hướng tới kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 85 năm ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” tại Hải Phòng. Hy vọng đây sẽ là cú hích quan trọng để các văn nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo.

NGUYỄN HIẾU