Trên cánh đồng điện gió
“Bên bờ sóng nở cánh đồng điện gió” - người bạn đồng hành đã có một câu nói hệt như một câu thơ khi chúng tôi tới thăm cánh đồng điện gió ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Có mục sở thị mới thấy hết sự hoành tráng và vẻ đẹp ngỡ như tranh của cánh đồng điện gió.
Kỳ vọng phát triển năng lượng sạch
Trải rộng dài ra trước mặt là những cột tuabin với những caánh quạt đang thong thả guồng quay. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng ra đó là hàng trăm hàng ngàn những bàn tay thiếu nữ đang vươn lên giữa nền trời xanh biếc. Tôi nhắm mắt và tưởng tượng ra đó là những ngón tay búp măng tựa như đâu đó là hình ảnh nghìn tay đang xòe múa. Điệu múa cổ xưa nhưng lại là của công cuộc dựng xây hôm nay.
Sau hồi ngây người để ngắm thì mọi người mới ùa lên thi nhau check-in. Quả là một địa chỉ để những bà, những cô, những chị, những em được dịp thể hiện mình trước bao la trời biển, trước vẻ nguy nga tưởng chỉ trong mơ mới có. “Bên bờ sóng nở cánh đồng điện gió” - tôi vô tình nhắc lại câu nói của người bạn đồng hành và không thôi tưởng tượng.
Ông Trưởng Quốc Lâm - Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Đông Hải, hồ hởi đón đoàn chúng tôi. Ông từng học Đại học Văn hóa ở Hà Nội, hễ có thời gian rảnh là cất giọng ca mấy câu vọng cổ. Chắc hẳn ông đang xúc động lây với cảm xúc của những người như chúng tôi lần đầu đến với Bạc Liêu, lần đầu đến với huyện Đông Hải và dĩ nhiên cũng là lần đầu được chiêm ngưỡng những trụ tuabin cùng những chiếc cánh quạt điện gió. Ông Lâm phải ngập ngừng ít phút mới bắt đầu giới thiệu được về quê hương của mình với chúng tôi.
Ông Trương Quốc Lâm cho biết: “Chỉ riêng ở huyện Đông Hải này thôi đã có 3 cánh đồng điện gió. Mà toàn là những cánh đồng rộng lớn vào cỡ lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 3 cả nước. Nói rồi ông Lâm khoát một vòng tay rõ rộng: “Mỗi một tuabin này cũng ngốn cả vài tỷ đồng đấy”. Nghe ông Lâm nói thế chúng tôi phải nhún vai kinh ngạc. Sơ sơ một cánh đồng cũng ngốn cả ngàn tỷ đồng. Thực là một sự đầu tư không hề nhỏ.
Điện gió ở Bạc Liêu nói chung, ở huyện Đông Hải nói riêng được chính thức xây dựng từ năm 2010 và là dự án điện gió đầu tiên của cả nước. Khi tiến hành dự án, các nhà đầu tư và các nhà quản lý đã hình dung ra từ những cánh đồng điện gió này sẽ coi như là một điển hình về phát triển năng lượng sạch và bền vững, không chỉ dừng lại ở Bạc Liêu mà còn là vươn ra cả một vùng rộng lớn.
Đúng như kỳ vọng, miền Tây Nam bộ quả là có nhiều lợi thế để phát triển điện gió. Bởi ở đây có dải đất ven biển dài, thiên nhiên lại ưu ái đầy nắng và đầy gió. Ông Lâm cho biết thêm: “Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 8 dự án điện gió được xây dựng. Chỉ riêng trong năm 2022, năm mà toàn dân nỗ lực phấn đấu xây dựng và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội sau gần 3 năm bị trì trệ vì đại dịch, đã hoàn thành dự án Điện gió Đông Hải 2, góp vào lưới điện quốc gia nguồn năng lượng sạch.
Trở thành điểm đến thú vị
Nói rồi ông Lâm hào hứng ví von: “Các anh các chị đã thấy ở đây với sự hoành tráng, khung cảnh đẹp không khác gì các cánh đồng điện gió ở châu Âu. Vì vậy, khu điện gió này đã nhanh chóng trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn, đặc biệt là các bạn trẻ đến chụp hình. Ai đến đây cũng sẽ thích thú với việc bố trí các trụ tuabin gió như những hiệp sĩ khổng lồ và trầm mặc giữa cách đồng bao la mà đứng đâu cũng có thể chụp được những tấm hình đẹp và ấn tượng”.
Đấy là ông Lâm chưa nói về sự hoành tráng của những trụ tuabin cùng với những chiếc cánh quạt. Mỗi trụ tuabin cao chừng 80m, nếu đứng dưới chân cột mà ngước mắt lên nhìn cũng thấy mỏi cổ. Đấy là chưa nói tới mỗi chiếc cánh quạt đang quay thong thả thế kia cũng có sải cánh 80m. Tôi đã nhẩm tính ra ngay về đường kính của cánh quạt trên một trụ tuabin là phải hơn 180m kể cả phần trụ mắc cánh quạt. Nhớ buổi chiều hôm đầu tiên đặt chân tới Bạc Liêu, khi cùng mọi người tham quan triển lãm ảnh ngoài trời ở Quảng trường Hùng Vương bên cạnh Nhà hát Cao Văn Lầu, tôi đã choáng ngợp trước một bức ảnh khá đẹp. Bức ảnh miêu tả hình ảnh những công nhân đang tiến hành bảo dưỡng lau chùi cánh quạt. Trên ảnh cho thấy những người công nhận thật bé nhỏ so với cánh quạt. Này nhé, chiều cao của một người công nhân cứ cho là 1,7m đi thì cũng chẳng thấm tháp gì so với sải cánh quạt dài những 80m. Ông Lâm cho hay: “Khi vận chuyển cánh quạt phải dùng đến xe tải loại siêu trường siêu trọng mới chuyên chở được”.
Quả là ông Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch của huyện Đông Hải đang tranh thủ để quảng bá cho văn hoá và du lịch của huyện nhà. Và cũng rất đúng với mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn năng lượng sạch này, là: “Đưa vào khai thác cánh đồng điện gió không chỉ là khai thác năng lượng mà tỉnh Bạc Liêu và huyện Đông Hải đã tận dụng ngay vẻ đẹp rộng lớn của những cánh đồng điện gió để khai thác du lịch.
Nhớ khi đứng ngây người ngắm cánh đồng điện gió Đông Hải tôi đã thấy việc bố trí các trụ tuabin kết hợp với tuyến đường nổi trên mặt biển bằng bê tông, đi từ khu vực này đến khu vực kia một cách dễ dàng, nhìn từ xa phong cảnh đẹp tựa trời Âu. Du khách đến đây sẽ được người của Ban quản lý với sự tham gia của ngành du lịch tổ chức những chuyến xe điện chở du khách tới từng tuabin để tha hồ nhìn ngắm, tha hồ sờ nắn, tha hồ check-in. Những con đường bê tông nổi trên mặt biển sẽ tạo cho du khách cảm giác như được trôi trên từng lớp sóng mà tận hưởng luồng không khí biển trong lành.
Ông Lâm cho biết thêm với giọng đầy tự hào: Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vừa quyết định công nhận khu điện gió Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, đưa Bạc Liêu là địa phương có 9 điểm du lịch tiêu biểu trong vùng (8 điểm đã được công nhận trước đó) gồm: Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Bãi biển nhân tạo - Khu du lịch Nhà Mát, Khu Quan Âm Phật Đài, Khách sạn Bạc Liêu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu. Còn riêng huyện Đông Hải bên cạnh những cánh đồng điện gió còn có nhiều di tích cấp quốc gia như: Di tích Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực và cả Đền thờ Nghinh Ông với bộ xương cá voi khổng lồ. Năm 2022, du khách đến Đền thờ Nghinh Ông đã đạt con số 15.000 lượt.
Được biết huyện Đông Hải có chiều dài bờ biển khoảng 23km, với các cửa sông lớn như Gành Hào, Cái Cùng nên rất thuận lợi trong khai thác, chế biến và dịch vụ thủy sản. Tuy nhiên Đông Hải còn là một huyện khó khăn. Những dự án điện gió trên địa bàn đã góp phần đem đến nguồn lợi mới, góp thêm vào ngân sách của huyện. Đúng như Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định: Lĩnh vực năng lượng sạch là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Rồi đây, những cánh đồng điện gió với những chiếc cánh quạt quay tít giữa trời xanh, góp phần cho vùng đất phương Nam làm giàu từ gió và biển. Và vùng bãi bồi ven biển Bạc Liêu vốn quanh năm đối mặt với nghèo khó sẽ trở thành những “bãi vàng” giúp người dân, doanh nghiệp cùng làm giàu khi nhiều dự án phát triển du lịch được mọc lên từ các công trình điện gió. Và điện gió cũng góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển, đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 60 tỷ đồng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vừa quyết định công nhận khu điện gió Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, đưa Bạc Liêu là địa phương có 9 điểm du lịch tiêu biểu trong vùng (8 điểm đã được công nhận trước đó) gồm: Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Bãi biển nhân tạo - Khu du lịch Nhà Mát, Khu Quan Âm Phật Đài, Khách sạn Bạc Liêu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu. Còn riêng huyện Đông Hải bên cạnh những cánh đồng điện gió còn có nhiều di tích cấp quốc gia như: Di tích Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực và cả Đền thờ Nghinh Ông với bộ xương cá voi khổng lồ. Năm 2022, du khách đến Đền thờ Nghinh Ông đã đạt con số 15.000 lượt.