Đề phòng bệnh viêm màng não ở trẻ
Cuối năm, thời tiết rét đậm, rét hại xuất hiện ở nhiều nơi tại miền Bắc và giao mùa ở miền Nam khiến cho trẻ em dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là bệnh viêm màng não.
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não có thể xem là bệnh theo mùa. Năm nay tình hình dịch bệnh có xu hướng phức tạp hơn vì sau 2 năm Covid-19, trẻ nhỏ quay lại với nhịp sống bình thường với việc đi học, đi chơi, tiếp xúc với nhiều người. Đồng thời, sau 2 năm đại dịch, việc tiêm ngừa các loại vaccine ngừa viêm màng não cũng bị hạn chế khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên.
Trong y khoa, bệnh viêm màng não được gọi là bệnh cấp cứu nội khoa, nghĩa là phải cứu chữa nhanh chóng, kịp thời và đúng cách, nếu chậm trễ sẽ gây hậu quả khôn lường. Bệnh có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Một số trường hợp bệnh nhân giữ được tính mạng nhưng lại bị các di chứng nặng nề như phải sống thực vật hoặc gặp các biến chứng nặng như giảm thính lực, gặp các vấn đề về thần kinh, vận động.
Là căn bệnh gây tổn thương ở hệ thần kinh trung ương nhưng viêm màng não lại lây truyền qua đường hô hấp. Cơ thể con người có một bộ phận được gọi là màng não, bao quanh bộ não và kéo dài cho đến cột sống. Trong điều kiện bình thường, đây là bộ phận vô trùng, nhưng một số vị trí như hầu họng, tai lại dễ bị viêm, vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào màng não.
Theo ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng - Quản lý Y khoa khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, bất cứ ai cũng có thể bị bệnh nhưng với trẻ em, nguy cơ mắc cao hơn do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Tác nhân gây bệnh có thể đến từ vi trùng hoặc siêu vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng. Những mầm bệnh này luôn ở khắp nơi, đặc biệt là ký sinh trên cơ thể người lớn, nhiều nhất là ở hầu họng và khi trẻ tiếp xúc với những người xung quanh thì khả năng mắc bệnh luôn tiềm ẩn.
Về triệu chứng: lúc mới bị, viêm màng não có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác vì có các biểu hiện như sốt, nôn ói, đau đầu. Các triệu chứng muộn thì khá điển hình như co giật, hôn mê. Theo BS Ngô Thị Kim Phượng, điều quan trọng nhất là khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa ngay đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.
Với trẻ em thì cần thiết nhất là tiêm phòng đầy đủ các liều vaccine theo đúng độ tuổi. Các bệnh như viêm phế cầu, viêm não mô cầu, lao, viêm não Nhật Bản… là những nguy cơ dẫn đến viêm màng não. Hiện nay, các bệnh này đã có vaccine phòng ngừa cho trẻ.
Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM lưu ý, phụ huynh cần có kế hoạch tiêm vaccine sớm cho trẻ, không trễ lịch vì sẽ hình thành khoảng trống miễn dịch, tiêm đúng theo độ tuổi, đúng lịch trình. Ví dụ trẻ 2 tháng thì cần tiêm vaccine 6 trong 1, phế cầu, rota, trẻ lớn hơn thì tiêm vaccine sởi, thủy đậu, quai bị, rubella…
Đối với những trẻ chưa đủ tuổi tiêm vaccine thì cha mẹ nên chú ý đến các cách phòng bệnh thông thường như vệ sinh cơ thể trước khi tiếp xúc với trẻ, giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ khô thoáng. Đặc biệt, người lớn cũng nên chủ động tiêm chủng các loại vaccine phòng viêm màng não vì khi những người xung quanh trẻ được bảo vệ, khả năng trẻ được bảo vệ cũng tăng cao.