Bị TTCP điểm danh, VNVC của ông 'trùm' y dược Ngô Chí Dũng kinh doanh ra sao?

Quang Thành 05/01/2023 16:35

Chỉ mất 3 năm hoạt động, VNVC đã bắt đầu có lãi, với doanh thu thuần tăng theo cấp số nhân qua các năm.

Ảnh minh họa: VNVC
Ảnh minh họa: VNVC.

TTCP "chỉ mặt điểm tên"

Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Minh đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra số 2323/TB-TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị thuộc Bộ.

Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2020 đến 31/12/2021. Đây là giai đoạn dịch bùng phát nghiêm trọng, tác động đến tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo TTCP, bên cạnh những kết quả đạt được, một số gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-10 còn có nhiều thiếu sót, sai phạm.

Đáng chú ý, theo kết luận, Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vaccine từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC), dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vaccine để tiêm chủng (đã tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người) không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) có văn bản đồng ý để VNVC được giữ lại 73.504 liều vaccine và tiếp nhận, phân bổ 1.067.700 liều vaccine (có hạn sử dụng ngắn đến 31/3/2022) cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu để triển khai tiêm chủng là chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 77/TB-VPCP ngày 19/3/2022. Nội dung này đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về VNVC, doanh nghiệp thành lập ngày 11/11/2016, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng và tiêm phòng. Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của VNVC là 10 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hà góp 3 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 3 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 4 tỷ đồng (40%). Ông Ngô Chí Dũng (SN 1974) đồng thời cũng là Người đại diện Pháp luật kiêm HĐQT Công ty.

Sau nhiều lần điều chỉnh, đến ngày 10/7/2020, vốn điều lệ của VNVC được tăng lên 140 tỷ đồng và không rõ cơ cấu cổ đông góp vốn.

Về tình hình kinh doanh, VNVC chỉ mất 3 năm hoạt động để bắt đầu có lãi, với doanh thu thuần tăng theo cấp số nhân qua các năm. Trong mấy năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của VNVC liên tục tăng cao. Nếu như trong năm 2018, doanh nghiệp báo lỗ thuần âm 39 tỷ đồng thì sang năm 2019, VNVC gây ấn tượng mạnh khi đạt doanh thu hơn 2.330 tỷ đồng và lợi nhuận thuần ở mức 79,5 tỷ.

Trong năm 2020, doanh thu của VNVC tiếp tục tăng lên mức hơn 3.800 tỷ đồng, lãi hơn 90 tỷ đồng. Đến năm 2021, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, VNVC là doanh nghiệp đầu tiên nhập 117.600 liều vaccine từ hãng AstraZeneca.

"Đại gia" nào đứng sau VNVC?

Được biết, VNVC là thành viên trong "hệ sinh thái" của đại gia ngành dược Ngô Chí Dũng.

Ngoài VNVC, ông Ngô Chí Dũng còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy). Doanh nghiệp này cũng là "gà đẻ trứng vàng" trong "hệ sinh thái" của ông Dũng.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, Eco Pharma đều ghi nhận doanh thu ở mức nghìn tỷ, cao gấp nhiều lần so với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, công ty này báo doanh thu 1.681,4 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận chỉ ở mức 12,4 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận khiêm tốn 0,73%.

So với 2 pháp nhân kể trên, CTCP Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh có tuổi đời lâu hơn cả (thành lập từ tháng 9/2007). Tuy nhiên, sự "hiện diện" của ông Ngô Chí Dũng tại đây kín đáo hơn rất nhiều khi không trực tiếp nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc hay người đại diện theo pháp luật dù sở hữu 50% cổ phần trực tiếp (theo ĐKKD thay đổi ngày 1/12/2016).

Trong năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 660,6 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018, thế nhưng lãi hạt tiêu ở mức 1,1 tỷ đồng, giảm tới 97,3% so với năm trước đó.

Quang Thành