Tăng giá điện: Cần cân nhắc rất kỹ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị sớm được tăng giá điện để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao. EVN cũng muốn được áp dụng cơ chế thị trường đối với giá điện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện cũng như cơ chế tăng giá điện cần phải cân nhắc rất kỹ.
Lỗ 31.000 tỷ, EVN xin tăng giá điện
Mới đây lãnh đạo EVN đã kiến nghị được áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, tương tự điều hành giá xăng dầu hiện nay. Hiện giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, dựa trên biến động đầu vào của tất cả khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, giá bán lẻ điện đã được giữ ổn định gần 4 năm qua trong khi giá nhiên liệu sản xuất điện, tỷ giá đều tăng mạnh khiến EVN khó cân đối tài chính và chịu lỗ nặng trong năm 2022, ước tính là 31.360 tỷ đồng.
Liên quan đến kiến nghị tăng giá điện Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, hàng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân.
Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. “Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát với giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường vào giá bán lẻ điện bình quân” - ông Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hải, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu. Chi phí sản xuất kinh doanh điện có sự phụ thuộc cao vào các mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô. Nên Quyết định 24 đã quy định rất rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên. Nhưng lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào ngày 20/3/2019. Như vậy, đến tháng 3/2023 sẽ là 4 năm giá điện chưa được điều chỉnh.
Ngoài ra, do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên việc điều hành giá điện cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ tác động. Tại Quyết định số 24 cũng đã quy định rõ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.
Khó khả thi
Xăng dầu và điện là hai ngành năng lượng đầu vào của sản xuất kinh doanh, có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vậy việc xin áp cơ chế điều hành giá điện như giá xăng được giới chuyên gia và người dân nhìn nhận như thế nào? Trước hết, cần hiểu rằng, xăng dầu hiện nay được điều hành theo chu kỳ giá 10 ngày/lần. Nếu giá điện cũng được điều hành như giá xăng dầu, có nghĩa là, cứ 10 ngày, giá điện sẽ được điều chỉnh tuỳ theo biến động chi phí đầu vào, có tăng, có giảm, có đứng yên.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đánh giá thực tế việc giá điện đứng im 3 năm nay không thay đổi cũng đang khiến EVN đứng trước thách thức lớn về chi phí, lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận… Do vậy, khả năng trong thời gian tới, giá điện phải được điều chỉnh tăng. Không phản đối phương án giá điện sẽ tăng, tuy vậy vị chuyên gia này cho rằng mức tăng bao nhiêu cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Với đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng, ông Doanh cho rằng rất khó khả thi bởi cơ chế vận hành của thị trường điện khác xăng dầu, nói cách khác là thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Vì vậy, nếu sắp tới, EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần tới hội đồng độc lập gồm các chuyên gia có kinh nghiệm thẩm định những lý do, chi phí giá thành sản xuất, đầu tư của đơn vị này để tạo sự minh bạch.
Ở góc độ người dân, bà Nguyễn Thị Thái (Hà Nội) cho rằng, cần có cơ quan độc lập thẩm định việc tăng giá đến từ những yếu tố nào, chi phí đầu vào và các tính toán trong sổ sách của doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không? Nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ, có thể dẫn tới việc tăng giá không hợp lý, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng như chi phí sinh hoạt của người dân.
Trước khi tăng giá, phải minh bạch được chi phí
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, có một số vấn đề cần phải đặt ra trước đề xuất tăng giá điện.
Thứ nhất, tăng với mức như thế nào cần phải chi tiết ra. Thứ hai, tăng ở thời điểm nào, vì hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, trong khi điện, xăng dầu là đầu vào của toàn xã hội. Nếu tăng không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của sản xuất, kinh doanh nói chung và nền kinh tế nói riêng.
Thứ ba, phải giải thích phần lỗ do EVN báo cáo. Cần thẩm định việc tăng giá đến từ những yếu tố nào, chi phí đầu vào và các tính toán trong sổ sách của doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không thì việc tăng giá mới thuyết phục.
Ông Phú cho rằng, EVN cần làm rất rõ số liệu, khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng có nguyên nhân chủ quan, khách quan ở đâu? Hay hoàn toàn do khách quan?
“Than là nguồn nguyên liệu đầu vào lớn nhất cho điện nhưng chúng ta đã bán than liên tục để hoàn thành kế hoạch hàng chục triệu tấn/năm. Bây giờ lại phải đi mua than đắt gấp 3,48 lần. Loại trừ than không thể phát điện được thì bắt buộc phải mua. Tuy nhiên, than phát điện được đã bán đi” – ông Phú nói.
Vị chuyên gia này cũng nhắc lại rằng, tình hình hiện nay đang rất khó khăn, hàng nghìn công nhân mất việc trước Tết. Trong điều kiện như vậy, thì phải cân nhắc nên tăng giá điện ở thời điểm nào. Nếu bây giờ tăng giá sẽ gây ra sự cạnh tranh về giá của sản phẩm hàng hoá. Do đó, đề nghị Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước cần xem xét cụ thể, thấu đáo, chi tiết trước khi trình Thủ tướng, để làm sao khi tăng giá điện thì dư luận thấy hợp lý và thuận với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Chúng ta đã có các quy định về phân cấp tăng giá điện, tăng từ 2 đến 4% thì ngành điện được quyền tự quyết định. Tuy nhiên, phân quyền chỉ là một vấn đề, điều cốt lõi là sự tâm huyết của EVN với xã hội, hạch toán rõ ràng.