Cần quan tâm tới tâm lý học đường
1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) năm 2023 đó là đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên.
Ban Giám hiệu Trường THCS Ðống Ða (quận Ðống Ða, Hà Nội) cho biết, trường đặc biệt quan tâm tới công tác tư vấn tâm lý học sinh. Nhà trường đã tuyển chọn những chuyên gia tư vấn có chuyên môn sâu để phụ trách vấn đề này. Tuy nhiên, do chưa được giao chỉ tiêu viên chức cho vị trí cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, nên việc tuyển dụng khá khó khăn và không giữ được người giỏi, gắn bó với công việc.
Trên thực tế, dù được quan tâm nhưng hầu hết các trường rất khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động, đặc biệt là các hoạt động theo nhóm lớn. Hiện nay, hàng năm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.
Trong khi đó, học sinh nhất là từ cấp THCS trở đi đặc biệt nhạy cảm, có những thay đổi tâm sinh lý. Các em rất cần địa chỉ tin cậy, có tính khách quan và chuyên môn cao để chia sẻ những vướng mắc của mình, thay vì tìm đến với thầy cô trực tiếp dạy mình hoặc cha mẹ.
Tại hội thảo “Giải pháp triển khai hiệu quả dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục” do Bộ GDĐT phối hợp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã khẳng định tầm quan trọng công tác tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều học sinh phổ thông gặp phải các vấn đề về tâm lý cần đến sự hỗ trợ mang tính chuyên nghiệp.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, trong giai đoạn 2015-2022, Bộ GDĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học. Hàng năm, Bộ GDĐT cũng quan tâm, chỉ đạo hướng dẫn các Sở GDĐT thực hiện các nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường. Phối hợp tích cực với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện các hội thảo tập huấn, xây dựng các mô hình tư vấn học đường, xây dựng các ấn phẩm truyền thông…
Gần đây nhất, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Trong đó Bộ chỉ ra, công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu… Nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm... Đặc biệt, hiện nay đa số các cơ sở giáo dục công chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Trong khi đó, như nhấn mạnh của Thứ trưởng Ngô Thị Minh, nhân viên công tác xã hội trường học phải là người giúp học sinh thay đổi những hành vi không mong muốn và hỗ trợ các em khai thác, phát huy những điểm mạnh trong học tập, giúp học sinh có khả năng định hướng nghề nghiệp, phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Vì vậy, các nhà trường mong muốn trong thời gian tới, Bộ GDĐT, các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình tư vấn tâm lý cho học sinh cũng như quan tâm đồng bộ về nguồn lực cho hoạt động này trong nhà trường, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường cũng cần được đầu tư bài bản hơn nữa.