TP HCM: Hoạt động ngân hàng tăng trưởng, ổn định
Ngày 6/1, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, năm 2022 thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố duy trì sự ổn định, tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với yêu cầu về hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Trung ương đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất hợp lý, phù hợp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Trong đó, các chính sách về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp; triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ; các chương trình tín dụng ưu đãi… đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả về lãi suất và giảm áp lực trả nợ vay.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, ngành ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ địa phương tại địa bàn TP. HCM. Bên cạnh đó, còn nâng cao năng lực và khả năng vượt qua khó khăn thách thức trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Đồng thời, góp phần củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố cũng như cả nước.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, huy động vốn tăng khoảng 6%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn và tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, tăng 9,2% so với cuối năm 2021.
Kết thúc năm 2022, dự ước tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Trung ương. Đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố.
“Các khó khăn phát sinh là khác nhau tùy theo nguyên nhân và yếu tố tác động. Song đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nền kinh tế và các thị trường. Trong đó sự biến động của các yếu tố liên quan đến lãi suất, lạm phát, tỷ giá… giá cả nguyên vật liệu và các thị trường sẽ tác động ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và yêu cầu ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nói.
Theo ông Lệnh, năm 2022, ngoài tác động khách quan, những tồn tại hạn chế nội tại phát sinh từ thị trường chứng khoán; bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã tác động ảnh hưởng nhất định đến hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, người gửi tiền và yêu cầu về ổn định thị trường tiền tệ. Song các tổ chức tín dụng nói đã thích ứng linh hoạt và chống chọi hiệu quả góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng.