Nông dân miền Tây hối hả thu hoạch vụ quýt cuối năm
Hàng ngàn hộ dân miền Tây Nam bộ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch quýt, một sản phẩm nông sản rất đặc trưng nơi đây.
Từ vài tuần qua, hàng trăm hộ dân trồng quýt (gồm quýt hồng, quýt tròn) ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã tất bật bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, ngoài quýt thương phẩm, nhiều nông dân ở đây còn trồng quýt kiểng, tạo hình dáng cây trong các chậu để bán dịp tết Nguyên đán tăng thêm thu nhập.
Nổi tiếng là vùng trồng quýt nhiều nhất cả nước với diện tích có năm khoảng 800 héc ta, quýt ở Lai Vung đã được công nhận là sản phẩm đặc trưng. Sau thời gian dịch, số lượng quýt có giảm nhiều nhưng nhìn chung, đây vẫn là cây trồng chủ lực của người dân ở Lai Vung. Mỗi năm, vụ thu hoạch quýt kéo dài khoảng 3 tháng, với 2 loại chính là quýt hồng và quýt tròn. Anh Nguyễn Văn Nhơn, chủ một vườn quýt 300 gốc ở xã Long Định (huyện Lai Vung) cho biết gia đình anh trồng quýt đã hơn 30 năm qua. “Quýt giờ tiêu thụ khó khăn lắm, giá cũng thấp hơn một số loại cây khác. Nhiều người ở đây đã chuyển qua trồng mít thái, sầu riêng nhưng tôi quyết giữ vườn quýt. Từ hai tuần trước đã bắt đầu hái trái chín, trái loại 2 bán trước. Gần tết mình hái trái lớn bán nữa. Mỗi gốc quýt tròn thường cho khoảng 150 tới 200 ký lô trái mỗi vụ. Riêng quýt hồng thì sản lượng cao hơn chừng 30% con số trên, tùy theo gốc”, anh Nhơn cho biết.
Được mệnh danh là “vương quốc” của cây quýt, người dân Lai Vung trồng quýt ở khắp nơi. Hầu hết các xã đều có những vườn quýt lớn, diện tích hàng chục héc-ta. Theo những nông dân ở đây, do vị trí địa lý nằm giữa sông Tiền và sông Hậu (tương tự như một cù lao khổng lồ), đất ở Lai Vung rất phù hợp với cây quýt. Ngoài ra những loại cây ăn trái khác như cam, mít cũng cho năng suất rất cao. Cây quýt không chỉ mang tới sinh kế, gắn bó với người dân Lai Vung mà thời gian gần đây còn giúp địa phương phát triển du lịch, gắn với thương hiệu vùng đất này. Nhiều hãng lữ hành đã thiết kế các tua du lịch từ TPHCM, Cần Thơ tới các vườn quýt hồng ở Lai Vung dịp gần tết cho du khách tham quan, chụp ảnh, ăn và mua sản phẩm. Các tour du lịch này đã góp phần quảng bá, giúp nông dân có thêm thu nhập và định hình sản phẩm của địa phương.