Áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi: Tháo nút thắt để chủ động nguồn nguyên liệu
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu khiến cho ngành chăn nuôi khó bứt phá, người nông dân vẫn khó tăng thu nhập. Thậm chí, do chi phí thức ăn chăn nuôi cao, giá thành sản xuất bị đẩy lên, nhưng giá sản phẩm lại hạ khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Tìm nút thắt
Thực tế đáng buồn này cứ kéo dài suốt thời gian qua. Giới chuyên gia cho rằng, nút thắt của ngành chăn nuôi nằm ở chính điểm nghẽn về chi phí nguyên liệu nhập khẩu. Việc phụ thuộc này đã khiến cho nhà sản xuất luôn ở tình thế bị động, sản xuất bấp bênh vì giá cả, chi phí còn phụ thuộc vào sự biến động của giá nguyên liệu nhập khẩu...
Chủ động được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đó là điều mà ngành chăn nuôi đã và đang hướng đến. Theo đó, nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu, giúp cho ngành chăn nuôi có thể chủ động được ngay việc sản xuất thức ăn chăn nuôi tại sân nhà, không phải nhập khẩu, từ đó không lo về gánh năng chi phí, có thể chủ động được kế hoạch sản xuất... đã được nhà quản lý, giới chuyên gia trong ngành đưa ra mổ xẻ thời gian qua.
Mới đây, một kết quả nghiên cứu, khảo sát do Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan thực hiện tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai (các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên) của Việt Nam đã xác định được một số thế mạnh của vùng này đối với nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN). Nghiên cứu cho thấy, các địa phương này có lợi thế phát triển ngành kinh doanh cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ bởi điều kiện tự nhiên phù hợp và diện tích sản xuất sắn, ngô lớn so với cả nước.
Năng suất ngô ở Tây Nguyên cao so với các vùng khác của cả nước và liên tục tăng trong những năm gần đây. So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy, cây ngô và cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây hàng năm khác ở Tây Nguyên.
Với thế mạnh này, nếu có thể đẩy mạnh mở rộng sản xuất hai loại cây nói trên, thì việc giải bài toán chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chỉ còn là câu chuyện thời gian. Tuy nhiên, khảo sát của tổ chức đến từ Hà Lan cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, người sản xuất ngô, sắn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, như giá đầu vào cao, thiếu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu vốn, lao động…
Công nghệ tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sắn chậm phát triển, hoặc đưa vào sản xuất ở mức độ khiêm tốn. Nhiều vùng trồng sắn, ngô còn độc canh, kỹ thuật không bền vững, dẫn đến cạn kiệt chất dinh dưỡng của đất và suy thoái môi trường. Việc cơ giới hóa trong sản xuất sắn và ngô còn hạn chế. Việc sản xuất ngô, sắn còn nhỏ lẻ, chưa được tổ chức tốt, dẫn đến hạn chế về chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các nhà máy chế biến chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu…
Gỡ cách nào?
Hiện nay, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng từ 30-35% so với nhu cầu, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65-70% giá thành. Chính bởi vậy, với những thế mạnh được tổ chức đến từ Hà Lan chỉ ra, ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể đẩy mạnh được mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Từ những lợi thế về vùng nguyên liệu, nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm ngô, sắn phát triển ở khu vực Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần xem xét hỗ trợ, tạo tác động toàn diện ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngô, sắn; tăng tính cạnh tranh với nguyên liệu nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ thành lập và phát triển các hợp tác xã, quy hoạch vùng sản xuất ngô, sắn; chuyển đổi một số diện tích cây trồng hằng năm kém hiệu quả kinh tế sang trồng nguyên liệu TACN...
Nhấn mạnh vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp triển khai các mô hình liên kết từ giống cây trồng, sơ chế, chế biến và thu mua nguyên liệu thông qua nông dân và các hợp tác xã. “Tây Nguyên là vùng thuận lợi để phát triển một số loại cây trồng làm thức ăn xanh sinh khối như ngô, sắn. Để cạnh tranh với những loại cây trồng khác ở khu vực này phải làm sao nâng cao được hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu lớn đáp ứng quy mô công nghiệp phải xây dựng mối liên kết giữa nông dân, HTX, qua đó liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra” – ông Cường nêu quan điểm.
Giới chuyên gia cũng nhận định, xác định được những lợi thế rồi, cần phải có những kế hoạch để phát triển lợi thế đó. Điều quan trọng đó là ứng dụng công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này có tính chất quyết định đối với ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng. Chính bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, nhà quản lý cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất đến nông dân. Đồng thời hỗ trợ thành lập và phát triển các HTX ngô và sắn để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến để mở rộng quy mô, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng từ 30-35% so với nhu cầu, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65-70% giá thành. Chính bởi vậy, với những thế mạnh được tổ chức đến từ Hà Lan chỉ ra, ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể đẩy mạnh được mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.