Quy hoạch tổng thể quốc gia: Đầu tư có trọng điểm, không dàn trải

H.Vũ 07/01/2023 07:00

Ngày 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy hoạch cần phải được hoàn thiện để cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

Phải chọn phương án tăng trưởng cao

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đi liền với hội nhập sâu rộng cần phải có thể chế tích cực, đồng bộ. Từ đột phá trong thể chế sẽ tạo được đột phá trong phát triển. Nhắc lại sự gian nan, kéo dài trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi thống nhất, ban hành được Luật Quy hoạch, Chủ tịch nước lưu ý: “Với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch”.

Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, theo Chủ tịch nước cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước lưu ý cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn nhận chung về dự thảo quy hoạch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dù còn mặt này mặt khác, nhưng coi như “xương sống, xương sườn” đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chồng chéo trong đầu tư nguồn lực

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó, chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia.

“Cụ thể, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?”- ông Cường dẫn chứng và cho rằng, những vấn đề này chưa được đề cập trong quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ. Đặc biệt, trong quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì? ngành nào là “xương sống” của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào? Việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia đang đưa ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực nhưng lại có chồng chéo trong đầu tư nguồn lực. Ông Hùng băn khoăn: “Vậy ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những chồng chéo này?”

Theo ông Hùng, khi xây dựng vùng kinh tế, động lực kinh tế TPHCM, Hà Nội theo hướng phát triển trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm tài chính. Cùng lúc quy hoạch Hà Nội, TPHCM thành 2 trung tâm lớn thì liệu có đủ nguồn lực đầu tư hay không? Theo kinh nghiệm các nước, các trung tâm lớn về khoa học công nghệ hay tài chính không nhất thiết phải là các đô thị lớn, mà là nơi có sự gắn kết với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu lớn. Do đó, cần có giải trình, đánh giá rõ hơn để các vùng không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau phát triển.

Đảm bảo quyền lợi của dân trong việc thực hiện quy hoạch

Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM), vẫn còn nhiều lúng túng khi dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là hành lang tăng trưởng?

Ông Ngân cho rằng, quy hoạch hiện được xây dựng cũng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào? Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh được đưa ra nhưng lại không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.

Chỉ rõ tình trạng quy hoạch “treo” là vấn đề đang đặt ra, ông Ngân cho rằng, xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch. “Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo để người dân nắm rõ”-ông Ngân nói đồng thời lưu ý, không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn. Để thực hiện quy hoạch, do nguồn lực đầu tư công là có hạn, nên thay vì đầu tư dàn trải cần phải đầu tư có trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực này trong xã hội.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An), trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần quan tâm tới ưu tiên phát triển không gian biển. Bởi biển là nơi kết nối Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, và khu vực Thái Bình Dương.

Bà Hiền nêu rõ, quy hoạch không gian biển đã nằm trong Nghị quyết 36 của Trung ương 8 khoá XII. Tuy nhiên quy hoạch không gian biển phải được đề cập cụ thể chứ không thể như chủ trương trong Nghị quyết. Bởi quy hoạch không gian sử dụng của các ngành kinh tế biển là phân theo vùng. Do đó nếu quy hoạch theo từng lĩnh vực sẽ cụ thể hơn. “Bên cạnh đó cần bổ sung bản đồ về quy hoạch biển, không gian biển để có sự ưu tiên phát triển không gian biển trong giai đoạn hiện nay”-bà Hiền nói.

Liên quan đến vấn đề kinh tế biển, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam. Theo đó, cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch.

H.Vũ