Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Chưa quan tâm bảo vệ người bệnh
Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dù là lần thứ 3 cho ý kiến song dự án vẫn nhận nhiều băn khoăn của các đại biểu.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) đề nghị cân nhắc chưa thông qua dự thảo luật ở kỳ họp bất thường lần này, bởi “lượng” chưa đủ để thành chuyển thành “chất”. “Nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động, chưa thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì luật này quy định khi có chính sách mới thì phải đánh giá tác động của chính sách” - ông Hoàng Anh chỉ rõ.
Cũng theo ông Hoàng Anh, dự án luật liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, đồng bộ với các luật khác, trong đó có Luật Giá sửa đổi và Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới. Hiện Luật khám chữa bệnh có nhiều điều khoản quy định về giá dịch vụ khám bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá sửa đổi.
“Một số chính sách đối với cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh là chưa phù hợp và chưa tháo gỡ khó khăn. Các điều khoản về tài chính chưa tách khám chữa bệnh theo yêu cầu và khám chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu, chi, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Quy định tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính là chưa rõ ràng” - ông Hoàng Anh phân tích.
Đối với người bệnh, dự thảo luật có những điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh. Ví dụ khoản 2, điều 9 quy định người bệnh được khám, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn, phù hợp với bệnh, tình trạng sức khoẻ của mình và điều kiện thực tế phù hợp với cơ sở khám chữa bệnh. Đây là quy định chưa rõ ràng. Hay như quyền về chất lượng khám chữa bệnh đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh phải đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khám chữa bệnh chuẩn mực một cách khách quan và có định kỳ xem xét về giá. Do đó điều khoản này cần phải điều chỉnh theo hướng “người bệnh được khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Khoản 1 điều 12 quy định, người bệnh được cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại điểm c, khoản 4 điều 69 của luật này. Tức là “khi có yêu cầu bằng văn bản”. Mặc dù có giải trình để giữ nguyên như dự thảo, nhưng đây là quy định hạn chế quyền công dân, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp. Quy định này thiên về bảo vệ nhân viên y tế và cơ sở y tế. Người bệnh không có quyền xem thông tin trong bệnh án và không được sao lục toàn bộ hồ sơ bệnh án dẫn tới nếu thông tin không chính xác thì người bệnh không biết để yêu cầu chỉnh sửa; không thể tham khảo chuyên gia y khoa khác trong quá trình khám chữa bệnh; không thể lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh khác; và khi xảy ra tai biến sự cố y khoa, người bệnh và gia đình người bệnh có tranh chấp với cơ sở khám chữa bệnh thì người bệnh không đủ cơ sở chứng minh sai sót chuyên môn. Trong khi đó, hợp đồng chuyên môn để giải quyết khiếu nại là do cơ sở khám chữa bệnh thành lập. Với quy định này thì Việt Nam có lẽ là một trong số ít các nước trên thế giới còn hạn chế quyền này đối với người bệnh. “Do đó điều khoản này cần được xem xét, nghiên cứu lại” – ông Hoàng Anh nêu quan điểm.