Làng nghề đá Yên Lâm: Nan giải vấn đề môi trường
Theo thống kê, hiện nay làng nghề đá Yên Lâm (thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa) có tới 33 doanh nghiệp làm nghề khai thác và chế biến đá, nên việc bảo vệ môi trường luôn là vấn đề “nóng”. Đường sá xuống cấp lầy lội, bụi bặm từ bột đá, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn từ máy cắt, máy xẻ đá… bao phủ khu dân cư.
Khắp nơi phủ bụi đá
Trên địa bàn thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) hiện có 38 cơ sở, doanh nghiệp khai thác, (trong số đó có 33 doanh nghiệp khai thác và chế biến đá). Hàng ngày, rác thải và bụi đá từ các cơ sở này đang gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của hàng nghìn hộ dân. Bên cạnh đó, lượng rác thải hàng tháng tại Yên Lâm lên đến 290m3, khối lượng rác thải thu gom xử lý hàng năm mới đạt 88%. Rác thải được thu gom chủ yếu là chôn lấp tại bãi rác của thị trấn.
Theo quan sát của chúng tôi: Tại Yên Lâm, mọi vật dụng hàng ngày và cây cối… của người dân trong thôn đều bị phủ một lớp bụi đá. Để đối phó với tình trạng này, một số hộ dân đành phải lấy bạt che chắn tạm bợ để tránh bụi xộc thẳng vào nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tại một số trạm xay nghiền đá, tình trạng ô nhiễm còn nặng nề hơn. Mỗi lần có gió thổi qua, từng đám mây bụi bay thẳng vào bao trùm lấy khu vực dân cư.
Ông Nguyễn Duy Chiến - một cử tri sinh sống tại thị trấn Yên Lâm cho biết: Cụm công nghiệp Yên Lâm được hình thành từ nhiều năm trước, không có hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tập trung; hệ thống thu gom, thoát nước chưa được đầu tư; chưa có khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn. Tình trạng để rò rỉ nước thải lẫn bột đá ra môi trường; chất thải bột đá tại các cơ sở thu gom từ các ao và hố lắng chưa có giải pháp xử lý triệt để; phương tiện vận chuyển khoáng sản của các cơ sở khai thác chế biến đá ngày càng gia tăng, nhưng các doanh nghiệp không chủ động thực hiện việc thu gom bột đá, đất đá rơi vãi trên các tuyến đường. Riêng bụi có nồng độ ô nhiễm rất cao, tập trung dọc theo tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm ra vào làng nghề và khu dân cư ven đường giao thông. “Hiện nay, tình trạng phát sinh bụi từ các cơ sở khai thác chế biến và hoạt động vận chuyển tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến môi trường khá nghiêm trọng. Bụi đá bao phủ khắp nơi, cây cối phủ bụi, bàn ghế trong nhà cứ lau buổi sáng đến trưa lại trắng bụi. Yếu tố này trở thành rào cản đối với tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương” - ông Chiến nói.
Cần sự chung tay
Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề đá Yên Lâm? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Phong - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm cho biết: Đảng ủy, UBND thị trấn Yên Lâm đã xây dựng Đề án nhằm đảm bảo vệ sinh, môi trường khu dân cư và làng nghề đá phát triển bền vững. Mục tiêu nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường; xử lý lượng nước thải công nghiệp ra môi trường đạt 100%, chất thải rắn sinh hoạt và dịch vụ thương mại được thu gom vận chuyển đến bãi chứa rác thải tập trung để chôn lấp và xử lý đạt 95%, 100% các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trang trại chăn nuôi phải được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải hiệu quả đúng quy định.
Đối với khu vực làng nghề khai thác, chế biến đá và khu vực các hộ kinh doanh dịch vụ phải quy hoạch xây dựng nơi ăn nghỉ cho công nhân đảm bảo đủ về diện tích, sạch sẽ, thường xuyên thu gom rác hữu cơ để xử lý, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, có hồ chứa, không để nước thải chảy ra ngoài... Các phương tiện vận chuyển vật liệu đá xây dựng không được vận chuyển quá đầy làm rơi vãi ra đường. Khi tiến hành xẻ đá, nghiền đá phải xử dụng bạt, tôn che chắn bụi, hạn chế đến mức thấp nhất bụi, bột đá ra ngoài môi trường; phải dùng máy phun nước vào bộ phận máy nghiền đá để hạn chế đến mức thấp nhất bụi đất, bụi đá ra ngoài môi trường. Hoạt động đúng giờ quy định để không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Đơn vị nhận thu gom vận chuyển phải đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được gọn gàng, sạch đẹp. Các tổ dân phố phải thực hiện thu gom, vận chuyển đến bãi chứa rác thải tập trung tối thiểu 5 lần/tháng, vận chuyển rác thải khó tiêu hủy 2 lần/tháng, vận chuyển rác thải bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng 3 lần/tháng. Đối với hệ thống cống rãnh, cống tiêu thoát nước khu dân cư tùy vào tình hình thực tế nhà thầu thực hiện việc khơi thông nạo vét để đảm bảo tiêu thoát nước.
Trong làng nghề đá tiến hành thu gom vận chuyển rác sinh hoạt của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh 5 lần/tháng, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành môi trường của các doanh nghiệp.
“Phương án đã được xây dựng khá cụ thể, chi tiết nhưng để thực hiện triệt để sẽ rất khó khăn, cần sự vào cuộc của các cấp và ý thức chung tay bảo vệ môi trường của người dân và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cũng không dễ giải quyết. Theo dự kiến thì kinh phí thực hiện đề án sẽ được trích từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Do đó, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân. Bắt đầu từ năm 2023, chúng tôi sẽ thực hiện đề án”- ông Phong nói.