Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Đức Trân 07/01/2023 14:00

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế, mỗi năm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 81% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính. Ước tính ở người trưởng thành tỷ lệ mắc các bệnh như tăng huyết áp hiện là 26%, tương đương khoảng 17 triệu người mắc; tỷ lệ mắc đái tháo đường là 7%, tương đương với khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh.

Ảnh minh họa.

TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.

Hiện bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, cùng với đó là chi phí chăm sóc, điều trị cho những người mắc bệnh tim mạch là rất lớn. Trong nhóm các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim... tăng rất cao. Kết quả một số điều tra, khảo sát cho thấy, số người tử vong do bệnh tim mạch chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm. PGS. TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, có tới 50% số người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết mình bị bệnh và cũng chỉ có 50% số người biết bị bệnh được điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.

Mặt khác, ung thư cũng là căn bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư GLOBOCAN, năm 2020 tại Việt Nam, ước có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư; hiện cả nước có khoảng 354 nghìn người “sống chung” với ung thư; cứ 100 nghìn người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư... Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm. Trong 185 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư thì Việt Nam xếp thứ 91 về tỷ suất mắc mới và thứ 50 về tỷ suất tử vong trên 100 nghìn dân. Nếu so với 2 năm trước, số người mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng.

Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền - Trưởng Khoa Nội tiết Cơ xương khớp - Bệnh viện Lão khoa trung ương, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp mạn tính, đang là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay. Bệnh không lây nhiễm tạo ra gánh nặng bệnh tật rất lớn do hầu hết những người mắc bệnh phải điều trị suốt đời, tỷ lệ tàn phế và tử vong cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ mà người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được, như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo các tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu. Vì vậy việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy hình thành các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một chính sách ưu tiên của Việt Nam.

Đức Trân